82 mùa xuân, nhân dân và đất nước ta đã tiếp nhận một Đảng lãnh đạo và sẽ mãi mãi tự nguyện vinh danh Đảng lãnh đạo độc tôn của mình.
Nhiều người đã viết và nói “Đảng là văn hóa, là văn minh”, cũng có người viết “Đảng là mùa xuân của dân tộc” cùng nhiều cách đề cập khác rất hay về Đảng với dân tộc và đất nước.
Chương trình nghệ thuật "Mừng Đảng, Mừng Xuân”. Ảnh: Viết Ý - TTXVN |
Trong mùa xuân thứ 82 này, người viết lại muốn trình bày một dạng, thường có phần kiêng kỵ trong ngày Tết. Đó là xương máu, là sự hòa trộn máu thịt của hàng triệu người dân Việt Nam bình thường, nhiều thế hệ với máu thịt của những người cộng sản, tạo nên sự gắn bó, không sức mạnh, thủ đoạn nào có thể tách rời.
Ngay từ giữa những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ nước Nga Xô viết về đến Nam Trung Quốc tập hợp những người yêu nước trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và xuất bản tờ báo Thanh niên.
Dẫu lúc đó, trong nước cũng vừa mới xuất hiện một đảng của giới tri thức hướng theo con đường của Tôn Trung Sơn mà câu nói bất hủ của Nguyễn Thái Học-người đứng đầu Việt Nam Quốc dân đảng- “không thành công cũng thành danh” vẫn được người đương thời trân trọng trong khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Nhiều lãnh đạo và đảng viên Quốc dân đảng đã hy sinh, nhiều người phải chịu cảnh tù đày mà phần lớn trong số họ đã trở thành đảng viên cộng sản ngay trong nhà tù. Họ là những người yêu nước chân chính nhanh chóng tiếp nhận con đường của những người cộng sản.
Trước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và tổ chức cách mạng do Người sáng lập, hàng loạt người Việt Nam đã hy sinh trong các cuộc nổi dậy ở mọi miền trong cả nước chống xâm lược ngay từ khi chúng đặt chân lên đất nước ta.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chưa bao giờ đứt đoạn. Nhưng vào nửa đầu của thế kỷ 20, thời đại đã thay đổi, chủ nghĩa yêu nước của mỗi dân tộc cần được tiếp cận với những tinh hoa của nhân loại mới, tạo nên sức mạnh mới, tinh thần mới, chủ nghĩa yêu nước mới.
Hàng chục năm đi khắp năm châu, bốn biển, Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và người thanh niên yêu nước đó đã hòa mình với tinh hoa nhân loại, hình thành con người yêu nước kiểu mới và tạo được ra một đảng kiểu mới, với đường lối, phương thức hoạt động mới.
Người chủ trương tổ chức Hội Thanh niên cách mạng như một bước chuẩn bị cẩn trọng cho việc thành lập đảng. Nhưng những lớp huấn luyện với tư tưởng yêu nước kiểu mới của Người cùng việc lựa chọn cử người sang học ở Mátxcơva và đặc biệt phong trào sôi sục cách mạng ở trong nước đã nhanh chóng hình thành các tổ chức cộng sản mang những tên gọi khác nhau ở cả ba miền.
Không thể chậm hơn, ngày 3/2/1930, Người đã mời các tổ chức cộng sản ở trong nước ra một nhượng địa của Trung Quốc (Ma Cao) quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với chính cương, điều lệ vắn tắt và định ra chương trình hoạt động phù hợp (không phải là Đảng Cộng sản Đông Dương và Cương lĩnh Trần Phú sau này).
Dù không phù hợp với định hướng hoạt động của Người, không khí sôi sục cách mạng ở trong nước đã nhanh chóng bùng nổ cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh. Xô viết Nghệ Tĩnh dù chưa đúng thời cơ và chịu nhiều tổn thất, thực sự là một cuộc tập dượt cách mạng để lại bài học lớn cho Đảng về khả năng tổ chức động viên mạnh mẽ khối đoàn kết công nhân, nông dân trên một địa bàn rộng, sẵn sàng hy sinh, không lùi bước theo tiếng gọi của Đảng bộ địa phương và các đảng viên cộng sản.
Xô viết Nghệ Tĩnh thất bại là điều không thể tránh khỏi nhưng bài học và sức lan tỏa của nó mang giá trị lịch sử không thể phủ nhận.
Lãnh đạo Đảng kịp thời rút kinh nghiệm, hướng vào củng cố và xây dựng tổ chức. Kịp khi Mặt trận Bình dân Pháp ra đời, Đảng thành lập Mặt trận dân chủ mở rộng hình thức tập hợp quần chúng, hoạt động công khai và nửa công khai, xuất bản nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp khôn khéo tuyên truyền và tập hợp quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức phù hợp.
Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, không còn Mặt trận Bình dân Pháp, lực lượng thống trị ra mặt đàn áp phong trào quần chúng, tuy chưa thật kịp thời, Đảng đã chuyển hướng rút vào hoạt động bí mật, không phải chịu nhiều tổn thất.
Năm 1940, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị Đảng cử những cán bộ có triển vọng như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và một số đồng chí khác ra gặp Người ở nước ngoài với ý định cử các đồng chí đó đi học tập ở các nước, các đảng bạn.
Ý định chưa kịp thực hiện, phát xít Đức tiến công Liên Xô, Người xác định thời cơ cách mạng đã đến, một mặt để các đồng chí mới sang về nước ngay, một mặt chính Người cũng chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Người chưa kịp về đến nhà thì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định hoãn khởi nghĩa nhưng chỉ thị đến quá muộn. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã bị kẻ địch đàn áp khốc liệt. Nhiều đồng chí và đồng bào đã bị bắn giết, tù đày, trong đó có một số lớn những đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ một lần nữa bộc lộ ý chí kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, để lại nhiều bài học quý và đặc biệt cho chúng ta lá cờ đỏ sao vàng, mãi mãi xứng đáng lá cờ của Tổ quốc.
Các cuộc khởi nghĩa cục bộ cũng nổ ra tại Đô Lương, Bắc Sơn, Thái Nguyên. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì đã phân tích thời cuộc quốc tế, trong nước, định ra đường lối và phương thức hoạt động đúng đắn. Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, ra đời như luồng gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ trong cả nước, hướng quần chúng nhân dân vào một chương trình hành động thích hợp với tình thế lúc đó. Các lực lượng võ trang từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Thái Nguyên được chấn chỉnh lại thành đội cứu quốc quân làm lực lượng bảo vệ cho phong trào cách mạng địa phương.
Mặt trận Việt Minh cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và khu giải phóng Việt Bắc thúc đẩy và nhanh chóng hình thành một lực lượng cách mạng của toàn dân tộc.
Và thật dễ hiểu, chớp thời cơ Nhật đầu hàng đồng minh, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước chỉ diễn ra trong vòng mươi ngày. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên diễn ra trong cả nước ngày 6/1/1946 cùng bản hiến pháp mới, dẫu cho nhân dân Sài Gòn ngay từ ngày 23/9/1945 đã phải đứng lên dùng vũ khí chống kẻ thù xâm lược.
Với tất cả những nỗ lực với sách lược ngoại giao khôn khéo đã loại bỏ được âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ” của Tưởng Giới Thạch và cũng trì hoãn được cuộc kháng chiến toàn quốc đến ngày 19/12/1946. 9 năm kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại dẫn tới hiệp định Giơnevơ. Nhưng cuộc chiến đấu để hoàn toàn giải phóng đất nước phải kéo dài 20 năm nữa.
Thường người ta hay nói cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Bởi người ta quên cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia xóa nạn diệt chủng kéo dài hơn 10 năm nữa (1978-1989), chưa kể cuộc đụng độ ngắn không kém phần ác liệt ở biên giới phía Bắc.
Hơn bốn chục năm chiến tranh, hàng triệu chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh, đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn thi hài chưa tìm kiếm hết. Không chỉ bằng xương máu và hậu quả ảnh hưởng đến sinh mạng con người mà không ai muốn phân biệt đâu là Cộng sản đâu là những người dân yêu nước ngoài Đảng, đương nhiên ai cũng ngầm hiểu lớp người thứ hai chiếm số đông, thậm chí gấp nhiều lần lớp thứ nhất.
Chiến tranh không chỉ có bom đạn, sức mạnh tinh thần yêu nước kiểu mới không chỉ thể hiện trên hỏa tuyến. Sức chịu đựng và ý chí lao động sản xuất phục vụ tiền tuyến tỏa sáng mọi nơi, mọi chỗ, dẫu ở cả những nơi không nghe tiếng bom rơi, đạn nổ.
Và khi tiếng súng không còn trên đất nước, người dân đâu đã được ấm no. Cuộc chiến đấu giúp bạn vẫn đòi hỏi sức người, sức của, lương thực, quần áo không chỉ cho bộ đội tình nguyện mà còn cho hàng triệu người dân nước bạn. Đất nước dân tộc còn phải đương đầu với chính sách bao vây cấm vận vốn đã được người bạn lớn Fidel cảnh báo từ những năm 70 với mong muốn Việt Nam khôn khéo thoát được điều khủng khiếp đó. Việt Nam nào khác Cuba, dẫu ta linh hoạt uyển chuyển trong chính sách đối ngoại sau chiến tranh, nhưng chủ nghĩa đế quốc vẫn không thể chấp nhận thua trận mà không trừng phạt kẻ dám thắng họ.
Trên 10 năm sau đại thắng 1975, dân tộc ta phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu hụt trăm bề, dự trữ ngoại tệ và lương thực quốc gia hầu như con số không. Thiếu đói ngay ở vựa lúa đồng bằng Nam bộ, hầu như mọi thứ cần cho nhu cầu đời sống hàng ngày, cả cho sức khỏe và học tập cũng lo không nổi. Nhớ một lần, các đồng chí lãnh đạo ở Nam bộ giao cho nhiệm vụ ra gặp Bí thư thứ nhất đang ở Hà Nội phản ánh tình hình. Nghe xong, ông tỏ thái độ giận dữ: “Rõ rồi, cần gì nói thêm. Nhưng làm gì đây. Tất cả những người có trách nhiệm cao nhất đều có mặt tại chỗ. Phải cùng nhau lo chứ. Bí thư thứ nhất phải làm được gì nữa đây”. Rồi ông lặng đi. Người viết bài này vốn đã có nhiều dịp làm việc và hiểu tính ông. Hiếm khi thấy ông nói ít lời và ngắt giữa chừng nên cũng không dám nói gì thêm. Đột nhiên ông đứng dậy vỗ mạnh tay lên vai người báo cáo, chuyển giọng nhẹ nhàng: Anh Năm (Trường Chinh) cùng anh Mười (Nguyễn Văn Linh), anh Sáu (Võ Văn Kiệt) đang cùng mấy anh trong Chính phủ bàn cách tháo gỡ tại chỗ. Anh vào lại nghe xem anh Năm có ý kiến gì mới. Rồi anh ngừng lời cùng đi ra khỏi phòng, ánh mắt anh ngước lên nhìn trời và như tự nói với mình: “Chừng nào chưa có 21 triệu tấn gạo, nửa triệu hécta cao su, một triệu tấn thủy, hải sản, chừng đó còn chưa hết lo”. Mơ ước của người đứng đầu Đảng cuối những năm 70 chỉ có vậy!
Về lại Thành phố Hồ Chí Minh, đi theo anh Năm, xem kho gạo chị Ba Thi, chị Ba rất mừng khi anh Năm không chỉ ủng hộ mức lương cho người biết phân loại gạo mà còn nói: “Làm được hơn thì có thể trả mức cao hơn, những người chỉ rờ tay mà phân định được phẩm chất gạo không có nhiều đâu”.
Rồi anh xuống Long An nghe anh Chín Cần, Bí thư Tỉnh ủy trình bày về kết quả thực hiện “bù giá vào lương”. Anh Năm tỏ ý mừng nhưng lại vặn hỏi anh Chín Cần: “Đây mới chỉ giải quyết được người ăn lương, còn nhân dân và nông dân thì sao!?”. Anh Chín nói một cách dè dặt về chính sách cởi mở trong nông thôn, trong mua bán lương thực và thực phẩm. Anh Năm nói vui với anh Chín “làm gì làm có kết quả thì cứ mạnh dạn đặt ra. Bộ Chính trị cũng phải đưa vào quần chúng, địa phương, cơ sở, thực tế mới có quyết sách đúng đắn trong thời kỳ khó khăn này. Anh Lê Thanh Nghị vừa ở Hải Phòng tìm hiểu khoán trong nông nghiệp, đang về đây đề xuất Bộ Chính trị xem xét cơ chế mới trong sản xuất nông nghiệp”.
Buổi tối, anh Năm còn hỏi thêm anh Chín về việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Long An và tiếp tục tìm hiểu thêm cách làm và triển vọng việc thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy Long An. Anh Năm vốn trầm tính mà buổi tối đó tỏ ra rất tâm đắc và tin cậy anh Chín Cần. Anh Năm còn nói với mọi người đại thể: Nghị quyết đường lối, chính sách của Đảng chỉ có thể đúng đắn và thực hiện thành công khi xuất phát từ thực tế cơ sở, từ nguyện vọng chính đáng của đông đảo đảng viên và nhân dân. Càng lúc khó khăn, càng phải như vậy. Trong chiến tranh, Nghị quyết 15 sở dĩ được triển khai nhanh và có hiệu quả chính là xuất phát từ đòi hỏi thực tế của cách mạng miền Nam, từ đề xuất của Đảng bộ miền Nam, gắn bó xương máu với đồng bào, đồng chí miền Nam.
Ta đang tổng kết chiến tranh. Thành công là vĩ đại, đường lối chiến lược toàn cục là đúng đắn. Nhưng không phải không có những sai lầm cục bộ, chịu nhiều tổn thất. Ngay cả thành tích làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ trong mùa xuân 1968, nhưng nếu cuộc tập kích chiến lược là kỳ tích của chiến sỹ và đồng bào thì việc chuyển sang tổng công kích, tổng khởi nghĩa kéo dài lại chịu nhiều tổn thất không đáng có.