Đường sắt Việt Nam đang 'chạy' quá chậm so với tốc độ phát triển kinh tế

Khi so sánh với các hệ thống đường sắt thế giới, theo các đại biểu Quốc hội, có thể thấy hệ thống đường sắt Việt Nam thuộc diện lạc hậu bậc nhất, trong khi nền kinh tế đã phát triển vài chục năm nay mà hệ thống hạ tầng này rất thấp kém.

Liên quan tới các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra gần đây, bên lề Quốc hội ngày 28/5 đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về vấn đề này.

Đánh giá về ý thức của những người điều hành các đường ngang cũng như là trách nhiệm của những người trưởng ngành giao thông trong vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong thời gian đã xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng của người dân và người lái tàu. Các nguyên nhân và đánh giá chính thức sẽ do các cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, có một số nguyên nhân sau: Thứ nhất: Hệ thống quy định bảo đảm cho vận hành và an toàn đường sắt chưa hoàn thiện. Đây một trong những là vấn đề hàng đầu, cần phải tiến hành nghiên cứu hoàn thiện ngay. Chúng ta đã duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến giờ, chậm đổi mới.

Nguyên nhân thứ hai là hạ tầng kỹ thuật cơ sở quá kém. Từ máy tàu, toa tàu, hệ thống đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ lạc hậu. Khi so sánh với hệ thống đường sắt thế giới, có thể thấy đây là hệ thống đường sắt lạc hậu bậc nhất, trong khi nền kinh tế chúng ta phát triển vài chục năm nay mà hệ thống hạ tầng này rất thấp kém.

Nguyên nhân thứ ba là là ý thức tuân thủ của cán bộ, người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông rất thấp. Ngay ở xung quanh thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt hết sức “nham nhở”, hệ thống kiến trục lộn xộn. 

"Vì ba nguyên này nên nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình vận hành giao thông đường sắt, nảy sinh ra nhiều vi phạm pháp luật nói chung và xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.

Nói về trách nhiệm của vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, khi nói về hoàn thiện hệ thống thể chế, trước hết phải khẳng định đây là trách nhiệm của trưởng ngành, trách nhiệm của Bộ trưởng đầu tiên. Vì Bộ trưởng phải tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức người dân; phối hợp với bộ, ngành địa phương khác để thực hiện an toàn, hiệu quả, phòng tránh tai nạn và bất trắc xảy ra.

Về giải pháp cho ngành đường sắt, đặc biệt trong thời đại 4.0, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, muốn làm phải có tính đồng bộ cao. Ví dụ toàn bộ hệ thống con tàu, đường tàu phải đồng bộ. Nếu chỉ bố trí các phương tiện 4.0 cho đường ngang ngõ tắt trong khi có con tàu lạc hậu, đường sắt lạc hậu và bản thân ý thức còn rất lạc hậu thì không đồng bộ. Do đó, củng cố hệ thống đường sắt phải từ thể chể, cho đến hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và đến ý thức tuân thủ, ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật và thậm chí cả vấn đề đạo đức xã hội.

"Sau các vụ tai nạn gần đây, ngành đường sắt nói riêng và Bộ Giao thông vận tải phải chủ trì với các bộ ngành nghiên cứu đề án khả thi, báo cáo với Chính phủ về việc củng cố hệ thống đường sắt, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng thời nâng cấp các quy định và tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm cũng như ý thức của công dân", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Về trách nhiệm của tư lệnh ngành, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, những việc như thế này Bộ trưởng cần thiết lên tiếng, vào cuộc ngay lập tức. Đây là vấn đề có tính chất nhạy cảm về mặt chính trị, xã hội. Bộ trưởng đã có chỉ đạo nhưng cần phải công bố cho báo chí và người dân biết cùng tham gia. Bởi vì, việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn của đất nước chúng ta là nhiệm vụ chung chứ không chỉ là vấn đề bí mật của ngành đường sắt hay Bộ Giao thông vận tải.

"Việc phải đầu tư cho hệ thống đường sắt hiện đại là vấn đề dài hơi. Vấn đề trách nhiệm hết sức quan trọng. Nếu chỉ coi đây là vấn đề riêng của ngành Giao thông cũng không đúng, coi là nhiệm vụ của địa phương không đúng, coi là nhiệm vụ của người tham gia giao thông thông thường cũng là không đúng. Đây là vấn đề của toàn xã hội", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.


* 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 lưu thông theo hướng Hà Nội – TP. HCM. Khi đến đường ngang có gác ở Km234+050 (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) thì đã đâm vào một xe ôtô tải làm 2 người tử vong, hơn 10 người bị thương, đường sắt tê liệt hơn 13h.

* Khoảng 16h30' ngày 26/5, tàu chở hàng chạy từ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) về thành phố Vinh (Nghệ An) khi đến ga Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thì bị trật bánh. Vụ trật bánh không xảy ra thiệt hại về người.

* Khoảng 17h ngày 26/5, đoàn tàu hàng mang số hiệu ASY2 điều khiển theo hướng TP. HCM – Hà Nội, khi đang vào ga Núi Thành đã xảy ra vụ đối đầu với đoàn tàu hàng mang số hiệu 2469 đi chiều ngược lại trên cùng 1 đường ray, khiến 2 lái tàu bị thương. Tàu hàng ASY2 có đầu máy và 4 toa hàng bị trật bánh, toa hàng bung cửa, rơi hàng hóa ra khu vực ga; chiếc tàu dồn 2469 đầu máy và 1 toa trật bánh. Còn đoàn tàu dồn cũng bị lật đầu máy và 1 toa tàu…

* Khoảng 13h ngày 27/5, tại khu vực Mỹ Lý-Chợ Sy (Nghệ An) xe bồn bê tông mang BKS 37C-173.16 khi đi ngang qua đường ngang có biển báo nhưng do tài xế không quan sát nên đã va chạm với tàu chở hàng SH3 đang lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.


H.V/Báo Tin tức
Tai nạn đường sắt liên tiếp: Tăng cường giám sát quy trình chạy tàu
Tai nạn đường sắt liên tiếp: Tăng cường giám sát quy trình chạy tàu

Liên tiếp trong một tuần qua đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến dư luận bất an về tính an toàn của hệ thống đường sắt vốn có hệ số an toàn lâu nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN