Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Minh Ngân, nêu một số lý do cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ này, trong đó có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng đất sau khi Quy hoạch được Quốc hội phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, trong đó có nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha (dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) dẫn đến làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt tại nghị quyết 39/2021. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 có sự tăng, giảm khá lớn so với chỉ tiêu được phân bổ. Vì vậy, một số chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Do vậy, nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ làm giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất cụ thể tại địa phương, gây khó khăn triển khai dự án trọng điểm quốc gia.
Trình bày nội dung Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành đề xuất của Chính phủ, đánh giá nội dung này phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và giải pháp nhiều chỉ tiêu sử dụng đất được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 39/2021 được thực hiện còn thấp.
Trong đó, đất nông nghiệp đạt 2,65%; đất giao thông đạt 10,81%; đất xây dựng cơ sở văn hóa đạt 1,96%; đất xây dựng cơ sở y tế đạt 5,5%; đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo đạt 3,37%; đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao đạt 4,86%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, Chính phủ cần bảo đảm giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cũng đề nghị nghiên cứu đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bởi “không có vùng nào giàu lên do trồng lúa hết, mà phải phát triển công nghiệp và dịch vụ khác”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, vấn đề an ninh lương thực rất quan trọng với Việt Nam: "Trong quy hoạch sử dụng đất, bằng bất cứ giá nào, cũng phải tính đến vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, tỉ lệ che phủ rừng, trồng thêm rừng và hạn chế chặt phá rừng là yêu cầu đặt ra".
Còn theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đã đến lúc phải xem xét điều chỉnh chỉ tiêu về đất nông nghiệp; nhưng phải nghiên cứu rất kỹ, trên quan điểm phân bổ đất lúa nên giữ bao nhiêu, ở đâu cần giữ để đảm bảo an ninh lương thực...