Đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Bulgaria đi vào thực chất, hiệu quả

Ngày 23/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Sofia, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria. Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang Bulgaria sau 15 năm, kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào năm 2008, nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Bulgaria nói chung; quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước nói riêng, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Với ý nghĩa trên cũng như lịch trình dự kiến các hoạt động trong chuyến thăm quan trọng này, có thể thấy chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, gắn bó chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ có bề dày hơn 70 năm giữa Việt Nam và Bulgaria.

Mặc dù là quốc gia châu Âu xa cách về mặt địa lý song Bulgaria lại có quan hệ khăng khít, gắn bó với Việt Nam. Hai nước có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ ngày 8/2/1950. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào tháng 8/1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Trong suốt 70 năm qua, Chính phủ, nhân dân hai nước đã không ngừng vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng...

Trên tinh thần hiểu biết và hữu nghị, lãnh đạo hai nước duy trì thường xuyên các cuộc đối thoại toàn diện và có những bước đi cụ thể nhằm tăng cường hợp tác song phương.

Ngày nay, các cuộc đối thoại chính trị đã được mở rộng ra hợp tác đa chiều theo ngành. Việt Nam là đối tác ưu tiên của Bulgaria ở Đông Nam Á. Kim ngạch song phương tăng đều đặn song chưa phát huy hết tiềm năng. Trong những năm gần đây, xu hướng tích cực là tăng cường thương mại song phương đối với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn như máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế và dược phẩm. Thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa người dân hai nước và xuyên suốt các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa, quan hệ kinh doanh và di chuyển lao động hiện cũng đang được chú trọng.

Trên 30.000 người Việt Nam đã làm việc, học tập tại Bulgaria vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, những người vẫn đã và đang tích cực tham gia đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Với nhiều người Việt Nam đã học tập, làm việc tại Bulgaria, ký ức về những năm tháng sống trên nước bạn vẫn in sâu trong tâm trí. Điển hình như hình ảnh về sự ủng hộ của Chính phủ, nhân dân Bulgaria đối với Chính phủ, nhân dân Việt Nam; những tình cảm chan hòa, mến khách của người dân đối với học sinh, sinh viên Việt Nam… Đó là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Việc Việt Nam là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bulgaria là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), hai thể chế kinh tế và chính trị quan trọng trên thế giới đã mang lại giá trị gia tăng hơn nữa cho hợp tác song phương Việt Nam - Bulgaria. Sự phát triển năng động của hợp tác Việt Nam - EU với các Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã tạo ra tiềm năng lớn hơn cho giao lưu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với nhau, dựa trên các ưu tiên chính trị chung của hai nước.

Lý giải về mối quan hệ gần gũi, hữu nghị giữa hai quốc gia, theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Nguyễn Đức Lưu, hai nước có 3 điểm tương đồng. Trước hết, hai nước đều có vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực, Việt Nam ở Đông Nam Á và Bulgaria ở Đông Nam Âu. Đây là những vị trí mang tính cửa ngõ để hai nước tiếp cận thị trường châu Âu và châu Á. Điểm tương đồng thứ hai là chính phủ hai nước trải qua lịch sử đều muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác và đều muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định để phát triển. Và điểm tương đồng thứ ba là hai nước đều có mong muốn chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đều mong muốn hòa bình ổn định để phát triển, qua đó giúp hai nước tin tưởng nhau hơn để thúc đẩy hợp tác.

Còn theo nguyên Đại sứ Bulgaria tại Việt Nam Marinela Petkova, Bulgaria và Việt Nam là những đối tác tự nhiên và thân thiết. Chính những sự kiện lịch sử đầy biến động vào giữa thế kỷ 20 đã gắn kết Bulgaria và Việt Nam lại với nhau.

Như đề cập ở trên, bên cạnh hợp tác chính trị, văn hóa-giáo dục tốt đẹp, hợp tác kinh tế vẫn được xem là chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng qua của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bulgaria đạt 147,3 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 96,5 triệu USD, tăng 9,6%, nhập khẩu đạt 50,8 triệu USD, tăng 18,2%.

Nhận định về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế; trong đó, dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, doanh nghiệp Việt Nam và Bulgaria có thể thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Bulgaria những mặt hàng tiêu dùng truyền thống trong khi danh mục sản phẩm tiêu dùng thế mạnh của cả hai nước còn nhiều, nhu cầu thị trường Việt Nam và Bulgaria vẫn rất tiềm năng, có nhiều dư địa để phát triển hợp tác trong thời gian tới.

Làm sao để mối quan hệ bạn bè truyền thống trở nên hiệu quả và thiết thực hơn là câu hỏi được lãnh đạo hai nước cùng đặt ra và nỗ lực tìm câu trả lời.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, một trong những nội dung hết sức quan trọng của chuyến thăm Bulgaria lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là thúc đẩy Bulgaria nói riêng, Liên minh châu Âu (EU) nói chung trong việc thực thi hiệu quả EVFTA; vận động Quốc hội Bulgaria phê chuẩn EVIPA. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đề cập cũng như bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước.

Có thể khẳng định, chuyến thăm chính thức Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác song phương, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới. Qua chuyến thăm, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam tăng cường hợp tác, mở ra chương mới tươi đẹp hơn nữa trên hành trình phát triển mối quan hệ với Bulgaria.

V.Đ (TTXVN)
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria từ ngày 23-26/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN