Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
Luật này quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nêu chi tiết về: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; giảm tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia và tăng cường quản lý kinh doanh rượu thủ công; giảm độ cồn trong sản phẩm rượu, bia. Ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên. Áp dụng các chính sách thuế phù hợp, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia từ nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia; ưu tiên cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia tại y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khen thưởng kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất rượu, bia; nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm độ cồn trong các sản phẩm rượu, bia.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với hướng tiếp thu giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; áp dụng mức thuế phù hợp để giảm tác hại rượu bia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật này đưa ra không có ý triệt tiêu ngành sản xuất rượu, bia; ai nghĩ vậy và cách suy luận như vậy là không đúng. Qua điểm của Luật là không khuyến khích sử dụng rượu, bia; cần có biện pháp quản lý, lấy phòng ngừa tác hại rượu, bia là chính.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách liên quan đến việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể lộ trình tăng thuế ngay trong Luật và bổ sung chính sách thuế theo hướng mức thuế tương ứng với nồng độ cồn trong rượu, bia.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc quy định lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn thì pháp luật chuyên ngành về thuế quy định sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế. Do vậy, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tiếp thu một phần ý kiến của các đại biểu về vấn đề này và thể hiện tại Khoản 3 Điều 3 cụ thể như sau "Áp dụng các chính sách thuế phù hợp, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia”.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Theo dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các hành vi bị nghiêm cấm là: sử dụng men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu không bảo đảm chất lượng; sử dụng cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia. Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức. Khuyến mại, tài trợ hoặc sử dụng rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức. Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia. Cho người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia; ép buộc phụ nữ mang thai và người khác sử dụng rượu, bia. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau; cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự kiến sẽ chưa có tính khả thi cao, do vậy, xin phép được giữ như dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng. Một số ý kiến khác đề nghị cấm có điều kiện như quy định về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, internet là một giải pháp giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như giúp người dân thực hiện hành vi mua sắm được đơn giản và thuận tiện hơn chỉ qua một số thao tác trên các thiết bị điện tử. Do vậy, để đảm bảo được mục tiêu của Luật là giảm tính sẵn có và tính dễ tiếp cận rượu, bia, đồng thời kế thừa quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh rượu, tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet tại khoản 4 Điều 5 và quy định điều kiện bán rượu, bia dưới 15 độ cồn trên internet tại Điều 13.
Phát biểu thảo luận, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Không nên phân biệt, cấm rượu truyền thống và nói rằng rượu thủ công là không tốt. “Quan trọng nhất là phải an toàn thực phẩm. Cần phân biệt là nếu rượu thủ công an toàn thì ta nên xem xét. Hoạt động kinh doanh, buôn bán phải tuân thủ theo pháp luật”, ông Phan Xuân Dũng nêu quan điểm.
Đồng tình với ông Phan Xuân Dũng, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng phải quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm trong sử dụng và kinh doanh rượu, bia. “Rượu bia phải bảo đảm sức khỏe con người nhưng không vi phạm vấn đề kinh doanh. Cần phân biệt giữa rượu công nghệp và rượu thủ công, cả hai đều phải được hoạt động, đối xử công bằng, đừng để lại gây ra làn sóng dư luận không tốt về rượu truyền thống” ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Kết luận phần thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi nên cần làm rõ nội hàm phòng chống tác hại của rượu, bia làm hại đến sức khỏe của con người. Về chế tài xử phạt người khi sử dụng rượu, bia gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến xã hội, cần có các biện pháp tuyên truyền giáo dục tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người. Trong quản lý cần nêu cao trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm khi sử dụng rượu, bia....
“Cần rà soát Luật này bảo đảm tính khả thi không ảnh hưởng đến luật khác. Nếu được các đại biểu đồng thuận thì sẽ đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra thảo luận tại kỳ họp thứ VII tới đây. Nếu chưa đồng thuận thì ta tiếp tục thảo luận ở các kỳ họp tiếp theo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận.