Toàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 25/8. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng, với quyết tâm kiềm chế được dịch COVID-19 trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp có kết luận về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu tiếp tục duy trì phương châm "cao hơn một mức, nhanh hơn một bước" trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Công tác phòng, chống dịch hướng tới 3 mục tiêu
Toàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg từ ngày 14/7. Ông Phan Văn Thắng cho biết thêm, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua thời gian thực hiện Chỉ thị 16, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai khá chặt chẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19; các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch được tập trung và phát huy hiệu quả. Kết quả các mặt hoạt động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã có chuyển biến tích cực, số ca nhiễm mới giảm, một số ổ dịch lớn đã được khống chế; về cơ bản, tỉnh đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp. Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; thiếu chủ động trong nắm bắt, xử lý thông tin liên quan. Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thiếu bao quát tình hình, còn lúng túng trong triển khai cơ chế phối hợp, điều hành, chưa chủ động tham mưu kế hoạch dài hạn. Một số cấp ủy, chính quyền chưa kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh nói chung chưa nghiêm.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu trong lãnh đạo công tác phòng, chống dịch cần thực hiện tốt 3 mục tiêu: quản lý địa bàn chặt chẽ hơn; xét nghiệm sàng lọc hiệu quả hơn, kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng; điều trị tích cực hơn, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ tử vong, giảm bệnh nhân F0 chuyển đến các tầng điều trị cao hơn. Tỉnh tiếp tục duy trì phương châm “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước" trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Đồng Tháp thực hiện công tác phòng, chống dịch theo 3 nhóm nguy cơ: Nhóm nguy cơ rất cao (thành phố Sa Đéc, huyện Lai Vung và huyện Châu Thành); nhóm nguy cơ cao (huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự, huyện Tam Nông, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò) và nhóm nguy cơ (huyện Thanh Bình, thành phố Hồng Ngự). Trong đó, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch đối với nhóm nguy cơ rất cao, đặc biệt là đối với địa bàn thành phố Sa Đéc.
Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục bám sát địa bàn được phân công, cùng địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện; chia sẻ, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất; chủ động giải quyết và kiến nghị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn phụ trách. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong toàn tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tham gia phòng, chống dịch với sự quyết tâm cao, phối hợp hiệu quả, chủ động, linh hoạt trong xử lý các tình huống, trên cơ sở tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định phòng, chống dịch. Đồng chí Bí thư cấp ủy là người trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Khẩn trương chuẩn bị các kịch bản chi tiết sau ngày 25/8
Ngoài việc tiếp thu ý kiến, cụ thể hóa thành các biện pháp thực hiện nghiêm, có hiệu quả, với quyết tâm kiềm chế được dịch COVID-19 trước ngày 25/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẩn trương chuẩn bị các kịch bản chi tiết, cụ thể cho địa bàn từng huyện, thành phố và toàn tỉnh sau thời điểm trên. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp đang hoạt động; chuẩn bị các phương án cụ thể, rõ ràng, hướng dẫn để các doanh nghiệp đăng ký tái sản xuất, kinh doanh theo phương án "4 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, y tế tại chỗ); kiên quyết xử lý nghiêm các địa phương để các doanh nghiệp không bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch hoạt động.
Song song đó, tiếp tục chăm lo đời sống người dân, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định. Toàn tỉnh đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, bảo đảm 100% hộ gia đình được tầm soát, xét nghiệm đại diện; có biện pháp sử dụng hiệu quả tất cả trang, thiết bị xét nghiệm từ các cơ sở y tế trong tầm soát, xét nghiệm phát hiện F0; bảo đảm thời gian trả kết quả đúng quy định. Ngành y tế bảo đảm trang, thiết bị cần thiết, cơ số thuốc dự phòng phục vụ công tác điều trị ở các tuyến; huy động tối đa các nguồn lực y tế (kể cả các bệnh viện tư nhân) trong công tác điều trị. Cùng với việc sắp xếp cơ sở thu dung F0, phân tầng điều trị hợp lý theo điều kiện cụ thể, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác điều trị của các cơ sở điều trị F0, kịp thời xử lý tình huống trong chữa trị, giảm nguy cơ, diễn biến chuyển nặng,...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng yêu cầu tiếp tục phát huy Tổ nhân dân tự quản, các tổ xung kích, tình nguyện trong việc vận động nhân dân tự giác thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Các địa phương, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, tuyên truyền, định hướng người dân, đặc biệt trong khu vực phong toả; nắm chắc tình hình đời sống người dân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch.
Từ 18 giờ ngày 15/8 đến 6 giờ ngày 16/8, Đồng Tháp ghi nhận thêm 20 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (13 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung, 7 ca trong khu vực phong tỏa). Tính đến 6 giờ ngày 16/8, Đồng Tháp có 5.079 ca mắc COVID-19, trong đó 2.640 bệnh nhân đã được xuất viện, 100 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh đã tiêm được 313.776 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người tiêm 1 liều là 293.610; số người tiêm 2 liều là 20.166).
Hiện toàn tỉnh có 327 doanh nghiệp (công nghiệp) ngưng hoạt động do không đảm bảo 3 tại chỗ; 104 doanh nghiệp còn đang hoạt động. Chỉ riêng trong ngày 15/8, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt hành chính 122 trường hợp với tổng số tiền là 232 triệu đồng, chủ yếu là hành vi ra ngoài khi không thật sự cần thiết và không đeo khẩu trang.