Đồng Nai ngưng cấp điện cho các hộ chăn nuôi câu móc điện

Nhằm xóa bỏ tình trạng chăn nuôi trong nội đô, từ tháng 8/2016 đến nay, cơ quan chức năng của Đồng Nai tiến hành cưỡng chế bằng cách ngưng cung cấp điện sinh hoạt đối với các hộ chăn nuôi tại các phường Long Bình, Trảng Dài và Tân Phong (thành phố Biên Hòa).

Sau gần 3 tháng triển khai, có gần 100 hộ đã bị cắt điện trong thời gian 9 tháng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện 8 hộ chăn nuôi ở phường Trảng Dài dù đã bị cắt điện nhưng vẫn câu móc điện từ các hộ dân bên cạnh, sắp tới, cơ quan chức năng sẽ ngưng cung cấp điện sinh hoạt đối với những hộ cho câu móc.


Theo ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, trước khi cưỡng chế bằng cách cắt điện đối với các hộ chăn nuôi trong nội đô thành phố Biên Hòa, ngành điện Đồng Nai đã có văn bản gửi các gia đình sống gần hộ bị ngưng cung cấp điện. Ngành điện yêu cầu các gia đình đang sử dụng điện không cho các hộ chăn nuôi đã bị cắt điện câu móc điện chung, nếu phát hiện, chủ hộ cho câu móc sẽ bị xử lý, cắt điện. Dù đã nắm được chủ trương nhưng nhiều gia đình vẫn vi phạm, chính quyền sẽ phối hợp với điện lực xử lý nghiêm các trường hợp này.

Ông Nguyễn Kim Phước cho biết: “Sau khi bị cắt điện, khoảng 50 hộ đã chấm dứt chăn nuôi, các hộ còn lại do lợn đang trong giai đoạn phát triển nên tiếp tục nuôi, tuy nhiên họ đã cam kết sau khi xuất bán lợn sẽ chấm dứt hoàn toàn việc nuôi lợn trong nội đô thành phố”.

Theo lãnh đạo các phường Trảng Dài, trên địa bàn phường có 74 hộ nằm trong diện bị tiến hành cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện sinh hoạt. Nhờ áp dụng biện pháp này mà đến nay đã có 32 hộ chấm dứt hoàn toàn việc chăn nuôi. Các hộ còn lại do lợn chưa đến kỳ xuất bán nên phải giữ lại để nuôi, song họ cam kết không tái đàn, cuối năm nay sẽ ngưng hoạt động. Ban đầu người chăn nuôi phản đối rất gay gắt việc cắt điện, nhưng chính quyền phường tuyên truyền vận động, người chăn nuôi thấy rõ cái sai của mình nên họ đã chấp hành chủ trương.

Bên cạnh thực hiện giải pháp mạnh nhằm xóa chăn nuôi trong nội đô thành phố Biên Hòa, chính quyền Đồng Nai cũng tiến hành đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những gia đình phải ngưng chăn nuôi. Những hộ muốn tiếp tục nuôi lợn, Đồng Nai sẽ hướng dẫn, hỗ trợ họ đến những khu chăn nuôi tập trung để xây dựng trang trại.

Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước với trên 1,7 triệu con. Tình trạng nuôi lợn trong khu đông dân cư diễn ra rất phổ biến tại các huyện, thị - gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận. Những năm qua, Đồng Nai xây dựng nhiều khu chăn nuôi tập trung nhằm di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, song đến nay hầu hết các cơ sở nuôi lợn vẫn không chịu chuyển đến nơi chăn nuôi do Nhà nước quy hoạch. Thành phố Biên Hòa là địa phương đầu tiên của Đồng Nai thực hiện biện pháp cưỡng chế bằng cách ngưng cung cấp điện đối với người chăn nuôi.


Công Phong
Đề xuất giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi
Đề xuất giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi

Ngày 9/11, tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp số 08 “Vận động thực thi hiệu quả chính sách quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi – trường hợp với kháng sinh và chất cấm”, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý an toàn thực phẩm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN