Tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên có rất nhiều rủi ro về dịch bệnh tồn tại trong môi trường, cộng đồng. Hiện nay và tương lai gần, địa phương chưa thể đạt được mục tiêu không còn ca mắc COVID-19. Vấn đề đặt ra với Đồng Nai là quản lý rủi ro, khi phát hiện ca bệnh các ngành chức năng đưa ra phương án xử lý hiệu quả; bình tĩnh xử lý; không hoang mang, lo sợ.
“Nếu sợ rủi ro, sợ dịch mà mãi đóng kín thì kinh tế sẽ trì trệ, không phát triển được, đời sống người dân bí bách, khó khăn hơn. Đồng Nai sẽ mở cửa, đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro, song rủi ro này phải trong tầm kiểm soát và xử lý được”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Đồng Nai hiện có trên 3,2 triệu dân, đến nay mới có khoảng 300.000 người tiếp cận gói an sinh xã hội từ Nghị quyết 68 của Chính phủ, đây là con số ít. Các đơn vị liên quan khi xét duyệt đối tượng hỗ trợ phải làm đúng quy định, song nếu quá khắt khe, chặt chẽ, cứng nhắc, người dân khó tiếp cận hỗ trợ. Các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh rà soát, đảm bảo ít nhất 60% dân số ở Đồng Nai được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, vừa qua, Đồng Nai đề ra chủ trương khuyến khích người dân tự test nhanh COVID-19 tại nhà. Ngành Y tế Đồng Nai cần sớm cấp phép cho nhà thuốc bán dụng cụ test COVID-19 để người dân mua về sử dụng. Như vậy, chủ trương mới khả thi, dân được thụ hưởng.
Tại cuộc họp, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, Đồng Nai đang tiến hành xét nghiệm thần tốc COVID-19 tại các vùng nguy cơ cao. Chủ trương của tỉnh là xét nghiệm gọn 100% đối tượng ở từng khu vực. Theo kế hoạch của tỉnh, toàn bộ người dân sẽ được lấy mẫu 6 lần, trong đó lần 1, 2, 3 sẽ lấy mẫu trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 22/9 - 24/9); lần thứ 4, 5, 6 lấy mẫu liên tiếp trong 3 ngày (từ 27 - 29/9). Nhưng, hiện một số địa phương làm không đúng hướng dẫn của tỉnh, nguy cơ chiến dịch không đạt hiệu quả như mong muốn.
“Đồng Nai chi nguồn lực rất lớn cho lần xét nghiệm này, các địa phương phải làm cho chặt chẽ, kỹ lưỡng. Những ngày tới, lãnh đạo tỉnh sẽ kiểm tra đột xuất việc xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở, địa phương nào làm không chuẩn sẽ xử lý nghiêm”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nhiều thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng, tới đây Đồng Nai cho phép người lao động hàng ngày đi làm và trở về nhà bằng phương tiện cá nhân hoặc đưa đón tập trung, cơ quan chức năng cần đề ra giải pháp quản lý chặt số lao động này, thực hiện nghiêm túc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Mở rộng, bổ sung đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, bởi trên địa bàn tỉnh có rất đông lao động mất việc làm, không có thu nhập trong nhiều tháng qua nhưng chưa được hỗ trợ.
Đến nay, Đồng Nai ghi nhận trên 46.000 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 25.000 người đã khỏi bệnh. Tỉnh đang thực hiện kế hoạch từng bước mở cửa sau nhiều tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.