Động lực chính tăng trưởng kinh tế từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, tạo động lực chính của tăng trưởng kinh tế…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 10% và cũng trong năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Song, đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Riêng hai lĩnh vực chuyển đổi số và và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 - 4 lần.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.

Theo ước tính của cơ quan năng lượng quốc tế IEA, các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ tương đương với 1% đến 1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và đang tiếp tục tăng lên rất nhanh. Hiện nay, tiêu thụ điện của toàn ngành công nghiệp CNTT và truyền thông chiếm từ 6 - 10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới và thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính.

Số liệu này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính khoảng 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040. Bởi vậy, chuyển đổi số phải dùng các công nghệ xanh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển nhanh, chuyển đổi số muốn bền vững phải chuyển đổi xanh. Song, cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số, trong đó cốt lõi chính là bán dẫn.

Thế giới đang chuyển dịch nhanh

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới.

Các nước trên thế giới đang thực hiện chuyển đổi số đi kèm cùng chuyển đổi xanh vô cùng mạnh. Singapore là điển hình về xanh hóa bởi công nghệ thông tin (CNTT). Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên coi tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển quốc gia và công bố cam kết xanh hóa các lĩnh vực CNTT ngay từ đầu những năm 2000. Mỹ và Châu Âu đang chuẩn bị áp dụng cơ chế Điều chỉnh Carbon (CBAM) trong 1- 2 năm tới...

Báo cáo của Boston Consulting Group - BCG cho thấy, 80% các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư cho ESG và 60% doanh nghiệp coi ESG là trọng tâm chủ chốt hoặc tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số.

Theo Báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC, 45% CEO toàn cầu không tự tin liệu doanh nghiệp có thể sống sót được trong thập kỷ tới hay không nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay. Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%. Việc thay đổi là bắt buộc trước sự biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu. Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh là hướng tới mô hình phát triển thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất, tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, từ đó tạo nên một nền kinh tế xanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi số là hướng tới mô hình phát triển thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu hao phí tài nguyên, năng lượng, tạo ra giá trị mới, từ đó tạo nên một nền kinh tế xã hội số.

Việt Nam đang tạo dần tạo được lợi thế 

Từ năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ quốc tế giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai cam kết COP26 được thành lập và Đề án triển khai COP26 được phê duyệt ngay sau đó.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia trao đổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chính phủ Việt Nam đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này”.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp

Hưởng ứng mạnh mẽ quyết tâm của các cấp lãnh đạo, VINASA (Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam) và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số tổ chức Vietnam - ASIA DX Summit 2024 với chủ đề: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - phát triển kinh tế số.

Chú thích ảnh
Tham luận của đại diện các doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng suất lao động vượt trội. Với các ví dụ cụ thể, AI có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Những con số ấn tượng này cho thấy tiềm năng của AI, khẳng định đây chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh. AI được ứng dụng trong các phân hệ như tài chính - kế toán, nhân sự - tuyển dụng, và quản trị - điều hành, giúp tiết kiệm 70% thời gian xử lý và tăng độ chính xác. Đặc biệt, trợ lý AI - MISA AVA cung cấp dữ liệu điều hành tức thì, hỗ trợ doanh nghiệp vận hành hiệu quả và ra quyết định nhanh chóng.

Ông Lê Hồng Quang khẳng định, đơn vị và doanh nghiệp phần mềm thành viên VINASA đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tích hợp AI. Điều này không chỉ giúp gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận AI một cách thực chất, mà còn nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Sự quyết tâm này thể hiện tinh thần tiên phong và trách nhiệm xã hội sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số đất nước.

Nhờ những khả năng đột phá của AI, các doanh nghiệp công nghệ như MISA có thể giải quyết những bài toán khó của đất nước. Với lợi thế công nghệ, MISA sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ Chính phủ trong việc ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như kê khai thuế hộ kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn phát triển bền vững FPT Digital, chuyển đổi số và xanh trong doanh nghiệp trước tiên phải có sự chuyển biến từ nhận thức trong lãnh đạo doanh nghiệp, đây là hướng đi dài hạn 10 - 20 năm. Kinh nghiệm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dựa trên thế mạnh doanh nghiệp, ưu tiên đào tạo. Đây là mục tiêu tăng trưởng kép hướng tới hiệu quả, minh bạch, dữ liệu được chia sẻ.

Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Đại diện Ban Tổ chức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA chia sẻ: “Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024)  diễn ra trong 2 ngày 28 - 29/5/2024, với 7 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.
XM/Báo Tin tức
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới no-code chinh phục thị trường nước ngoài
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới no-code chinh phục thị trường nước ngoài

Lập trình no code (hay còn được biết đến là low code) là phương pháp phát triển ứng dụng, phần mềm, không yêu cầu viết mã lập trình truyền thống. No code được xem là xu hướng phát triển phần mềm mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN