Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập... tham dự buổi làm việc.
Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Triển khai xây dựng Đề án quan trọng này, Ban chỉ đạo đã đặt các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trên 60 báo cáo, chuyên đề, 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế cũng tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án. Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã hoàn thành 1 báo cáo và 3 chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, nhấn mạnh: Bộ Công Thương là cơ quan đầu tiên Ban chỉ đạo tới làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo của Đề án. Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: Đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng; làm rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới; các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ, sản xuất của nền kinh tế; các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mới có tính chiến lược trong thời gian tới; các chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng đối với phát triển các ngành này; tư duy mới trong việc hình thành, phát triển các cụm, khu công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp; vai trò, vị trí của các chủ thể tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển công nghiệp trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo nêu rõ các nội dung thống nhất tại buổi làm việc.
Theo đó, quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bao trùm. Nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới là thúc đẩy tự động hóa, số hóa, thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bao trùm; đồng thời nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Vì vậy, cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới trên cơ sở xác lập lộ trình, bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm, góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là rà soát, thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng; nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật về phát triển công nghiệp; xây dựng, thiết lập thể chế quản lý vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp.
Các nhiệm vụ tiếp theo là rà soát, hoàn thiện danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên theo hướng thu hẹp các ngành và cụ thể hóa tới các phân ngành, sản phẩm ưu tiên để có nguồn lực thực hiện; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao, dần tiệm cận các nước phát triển, tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh...
Để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, các ý kiến đều thống nhất đề nghị sớm ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng các nội dung được trao đổi tại buổi làm việc sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.