Đồng chí Trần Đức Lương - Tấm gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo vì nước, vì dân

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: "Đồng chí Trần Đức Lương - Tấm gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo vì nước vì dân" của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bích, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; nguyên Trợ lý của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (giai đoạn 1997-2006).

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm trạm kiểm soát liên hợp CK19 huyện Đức Cơ (Gia Lai) trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (1999). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Những năm tháng công tác tại cơ quan nghiên cứu khoa học về quản lý kinh tế và Văn phòng Chủ tịch nước, tôi rất may mắn được tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp phục vụ đồng chí Trần Đức Lương ở nhiều cương vị khác nhau (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ (1987 - 1997) và mười năm sau (1997 - 2006) là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), in đậm trong tâm trí tôi những ấn tượng khó quên về tình cảm chân thành, về phong cách làm việc năng động, khoa học, cẩn trọng, tỷ mỉ và sâu sắc.

Đồng chí luôn tâm huyết đối với sự cường thịnh của đất nước, dân tộc; luôn băn khoăn trăn trở làm sao để mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải sát với đòi hỏi của cuộc sống; làm sao để thực hiện thành công công cuộc đổi mới và những thành quả của đổi mới phải đến được với mọi người dân trên mọi vùng miền của đất nước; làm sao khai thác được tối đa thế và lực của Việt Nam khi hội nhập với thế giới...

Đồng chí luôn thể hiện sự quan tâm tới đồng bào, chiến sỹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; mỗi khi gặp thiên tai, lũ lụt đồng chí đều đến tận nơi những vùng thiệt hại lớn để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sỹ khắc phục khó khăn và luôn nhắc nhở các cấp chính quyền sở tại cố gắng giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả của thiên tai, chăm lo đời sống cho nhân dân, không để một người dân nào đói kém, thiếu ăn, sớm phục hồi sản xuất và đời sống; dành tình cảm thân thương cho các cháu thiếu nhi, những người có số phận thiệt thòi; luôn động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có sáng kiến đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội bằng hình thức gửi thư khen.

Đối với cán bộ, nhân viên cấp dưới, đồng chí luôn quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình trong công việc và lắng nghe ý kiến một cách chân thành. Đồng chỉ thật sự là người thầy, người thủ trưởng mẫu mực, đáng kính.

Quá trình công tác của đồng chí Trần Đức Lương ở các cương vị khác nhau và đảm nhiệm trọng trách quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó, công việc dù khó khăn, phức tạp đồng chí đều phấn đấu vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bài viết này xin phép được điểm lại một số việc quan trọng nhất mang tính dấu ấn gắn với cương vị lãnh đạo của đồng chí Trần Đức Lương qua từng thời kỳ.

Thời kỳ giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ (1987-1997), đồng chí Trần Đức Lương được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách các ngành kinh tế kỹ thuật và cải tiến quản lý kinh tế, đồng chí đã phấn đấu bền bỉ, hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng và Chính phủ giao phó. Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, đồng chí đã dành nhiều thời gian công sức chỉ đạo các ngành, các cơ quan nghiên cứu đề ra các cơ chế chính sách nhằm từng bước xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất và người lao động được quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh dần hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.

Các cơ chế chính sách và luật pháp nổi bật đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành đó là: Quyết định số 217-HĐBT lần đầu tiên thể chế hóa cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bằng kế hoạch hóa ba phần và trao quyền tự chủ cao hơn cho các xí nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động, với tinh thần đổi mới của Quyết định 217, Chính phủ hoàn thiện cơ chế mới thông qua các Nghị quyết 385-HĐBT và 388-HĐBT. Đồng thời trong quá trình hoàn thiện các văn bản đó, đồng chí Trần Đức Lương tiếp tục chỉ đạo sát sao các cơ quan nghiên cứu quản lý cùng các Bộ, ngành nghiên cứu hình thành các dự án luật, trước hết là luật cho các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần khác nhau, tạo cơ sở cho việc hình thành luật chung cho tất cả các thành phần kinh tế sau này.

Đồng chí luôn căn dặn các cán bộ nghiên cứu: đây là việc làm khó khăn, mới mẻ, vì ta chưa có kinh nghiệm nên phải nghiên cứu sâu về tình hình cụ thể của đất nước đồng thời chọn lọc các kinh nghiệm của nước ngoài; đồng chí cho rằng phải chăng nên dùng khái niệm “Doanh nghiệp” thay cho khái niệm “Xí nghiệp” để sau này khái niệm doanh nghiệp chỉ chung cho các loại hình xí nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí, sau mấy năm nghiên cứu cơ bản dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội xem xét và thông qua là: Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Dầu khí (1993), Luật Đất đai (1993), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1995), Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995) và Luật Hợp tác xã (1996); các Luật, Quyết định này đã góp phần hình thành, hoàn thiện từng bước môi trường pháp lý cho các tổ chức kinh tế khác nhau hoạt động trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt chương trình Biển Đông, Hải đảo có tầm quan trọng trước mắt và lâu dài về kinh tế và an ninh quốc phòng, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình đánh bắt cá xa bờ, xây dựng các cảng cá, âu thuyền trên các đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Phú Quốc, chỉ đạo trực tiếp xây dựng các nhà giàn DK1, xây dựng cảng tầu thuyền quân sự, dân sự kết hợp trên đảo Đá Tây; chỉ đạo Ban Biên giới Chính phủ đàm phán thành công việc phân định biên giới, vùng đặc quyền kinh tế trên biển với Thái Lan, Malaysia...

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Giai đoạn 1997-2006 với hai nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là người đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại, đồng chí Trần Đức Lương luôn quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng chí Trần Đức Lương đã để lại những dấu ấn quan trọng đó là:

1. Về công tác đối ngoại: Thực hiện đường lối đối ngoại Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo ngành Ngoại giao và các cơ quan hữu quan lựa chọn, chuẩn bị nội dung, nhất là quan hệ hợp tác kinh tế và vận động gia nhập WTO, xây dựng chương trình đi thăm hữu nghị chính thức các nước và mời nguyên thủ các nước thăm nước ta, trong đó ưu tiên trước hết là các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và lựa chọn các nước đại diện các châu lục.

Ngay sau khi nhậm chức (1997), đồng chí được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì Hội nghị quốc tế đầu tiên ở nước ta đó là Hội nghị cấp cao lần thứ VII của cộng đồng Pháp ngữ, thu hút 35 nguyên thủ quốc gia có sử dụng tiếng Pháp. Có thể nói đây là thể nghiệm đầu tiên thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Thành công của Hội nghị là sự mở đường cho việc phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới và nâng cao một bước vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời rút kinh nghiệm cho việc đăng cai tổ chức các Hội nghị quốc tế sau này.

Thực tế đã cho thấy vào năm 2004 nước ta đã đăng cai và tổ chức rất thành công Hội nghị Á - Âu (ASEM-V) tại Hà Nội, đồng chí Trần Đức Lương được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì Hội nghị.

Là một thành viên trong Tiểu ban Chuẩn bị Hội nghị, tôi còn nhớ rõ từ đầu năm 2004, trước khi diễn ra Hội nghị nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây cố tình xoáy vào những mâu thuẫn trong quan điểm giữa hai lục địa Á- Âu, nhất là vấn đề kết nạp thành viên mới, trong đó có hay không việc kết nạp Myanmar vào ASEM, hay sự nghi ngờ việc Hội nghị có diễn ra ở Hà Nội hay không?... Việc làm này của các hãng thông tấn phương Tây không chỉ nhằm mục đích không muốn cho Hội nghị diễn ra mà còn nhằm bóp méo hình ảnh của Việt Nam. Trước tình hình đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước để trao đổi và mời tham dự Hội nghị.

Trong cuộc gặp gỡ, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Anh Tony Blair - Người được các hãng thông tấn phương Tây coi là có quan điểm khác biệt hoàn toàn với ASEAN về việc kết nạp thành viên mới, đặc biệt là Myanmar vào ASEM nhưng qua hội đàm, Thủ tướng Anh đã bày tỏ quan điểm với đồng chí Trần Đức Lương rằng: “Dư luận vốn vẫn như vậy khi diễn ra các sự kiện chính trị lớn; rằng ông tin Hội nghị sẽ thành công” và nhất trí với đồng chí Trần Đức Lương rằng: không nên để vấn đề của một nước ảnh hưởng đến những mục tiêu tốt đẹp mà hai châu lục phải vươn tới.

Quá trình chuẩn bị Hội nghị đồng chí Trần Đức Lương đã chỉ đạo sát sao từ nội dung Hội nghị đến cách thức tiếp đón khách sao cho thể hiện rõ lòng tôn trọng và hiếu khách của dân tộc ta, làm cho bạn thấy được một nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp đang vươn tới...

Cuối cùng, Hội nghị ASEM-V đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 8/10/2004 với kết quả rực rỡ như nhiều nguyên thủ các nước đánh giá: Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Điều kỳ diệu nhất của Hội nghị cấp cao này chính là việc cuối cùng nó đã diễn ra” và đã đạt được Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu và tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn minh; Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói với đồng chí Trần Đức Lương “Người phương Đông có câu “Nhân vô thập toàn”, với tôi, Hội nghị ASEM-V chỉ có một khuyết điểm duy nhất đó là tôi phải chia tay quá sớm với Ngài và nhân dân Việt Nam vì kế hoạch thăm Trung Quốc”. Khi rời Việt Nam, ông đã đặt tay lên ngực và nói với đồng chí Trần Đức Lương câu “tuyệt vời” rằng cũng như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội mấy năm trước, Hội nghị cấp cao ASEM-V lần này đã thành công tới mức chưa từng có một Hội nghị ASEM nào tổ chức được như vậy; còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi thì cho rằng ASEM-V không chỉ là một Hội nghị lịch sử với việc kết nạp liền một lúc 13 thành viên mới mà còn là Hội nghị đầu tiên đề cập nhiều vấn đề thiết thực, trong đó đáng kể nhất là cam kết hợp tác kinh tế, tất cả các trưởng đoàn cảm ơn về điều này. Tổng thống Hàn Quốc, lần đầu tiên đến Việt Nam thì liên tục tỏ sự ngưỡng mộ trước thái độ thân thiện và bầu không khí hòa bình của nhân dân và đất nước Việt Nam...

Thật vui mừng và tự hào về thành công của Hội nghị, qua những lời đánh giá chân thành, tốt đẹp của nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị đã thể hiện rõ vị thế của Việt Nam được nâng cao một bước trên trường quốc tế.

Tại diễn đàn Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (tháng 9/2000), bàn về chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thay mặt Đảng, Nhà nước ta, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đọc diễn văn ngay trong buổi sáng phiên khai mạc; bài phát biểu đã đề cập thẳng những ưu tiên mà cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc cần giải quyết là vấn đề phát triển và xóa đói giảm nghèo, tăng cường củng cố hòa bình, ổn định, xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, văn minh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia và đưa ra sáng kiến lấy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI là “Thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói, giảm nghèo”, đề xuất được Liên hợp quốc đánh giá cao. Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những nước đề xuất chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Năm 2005 Đại hội đồng Liên hợp quốc đánh giá 5 năm thực hiện chương trình thiên niên kỷ đã chính thức đánh giá cao và tuyên dương thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Phong Dụ, huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh), năm 1997. Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

2. Về công tác đối nội: Việc đầu tiên đồng chí Trần Đức Lương quan tâm là các phong trào thi đua yêu nước bị gián đoạn, trì trệ kể từ khi thống nhất đất nước. Bước sang thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng cả nước phấn đấu, thi đua thực hiện thắng lợi sự nghiệp Đổi mới; với tinh thần đó đồng chí Trần Đức Lương đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về: Đổi mới công tác thi đua khen thưởng giai đoạn mới, Bộ Chính trị đã nhất trí ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 3/6/1998.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thay mặt Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới; thi đua vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch nước, trong những năm qua các phong trào thi đua sôi nổi, nở rộ trên khắp các lĩnh vực, mọi vùng miền trên cả nước, từ đồng bằng, đô thị đến vùng núi xa xôi, hải đảo... , từ các tổ chức xã hội, tôn giáo, trường học, tổ chức thanh thiếu niên đến người cao tuổi... dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua các phong trào thi đua, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc xuất hiện đã thực sự góp phần to lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học... phát triển lên một bước mới, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được bảo đảm; đất nước có nhiều khởi sắc mới.

Có thể khẳng định việc phát động phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới của người đứng đầu Nhà nước thực sự tạo ra động lực vô cùng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự, an ninh quốc phòng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước: Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu 110 tuổi, 55 năm ngày thành lập nước và chào đón thiên niên kỷ mới. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta; theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ban hành Quyết định đặc xá tha tù quy mô lớn cho những phạm nhân tích cực cải tạo, có nhiều tiến bộ trong quá trình thụ án.

Qua rà soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn cụ thể, Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương đã kiến nghị danh sách cụ thể các phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Chủ tịch nước quyết định, trên cơ sở đó Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã quyết định đặc xá tha tù cho 23.337 phạm nhân, việc làm này được dư luận trong nước hoan nghênh ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao.

Từ những kinh nghiệm rút ra của lần đặc xá tha tù này, những năm tiếp theo của cả hai nhiệm kỳ, vào những dịp lễ trọng đại của đất nước, Chủ tịch nước đều quyết định đặc xá tha tù cho các phạm nhân đủ điều kiện và tiêu chuẩn tổng cộng bốn đợt với tổng số trên 70.000 phạm nhân được đặc xá tha tù.

Nhìn chung, những người được đặc xá tha tù đều rất biết ơn Đảng, Nhà nước ta và hứa cố gắng phấn đấu, rèn luyện để sớm trở thành những công dân tốt, số tái phạm không đáng kể. Việc làm này thể hiện rõ chính sách nhân đạo cao cả, tính nhân văn, vị tha của Nhà nước và dân tộc ta.

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới (từ 1986), nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế mới - cơ chế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thu được nhiều thành tích quan trọng; cải cách hành chính có bước tiến rõ rệt, đồng thời cũng bộc lộ sự tụt hậu của lĩnh vực tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thấy rõ điều này, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, đồng thời Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và phân công đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Trưởng Ban.

Ngay sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành, đồng chí Trần Đức Lương đã chủ trì Hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết. Tại Hội nghị, đồng chí đã đặc biệt nhấn mạnh: Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị đề cập tương đối toàn diện, có hệ thống về công tác tư pháp.

Nghị quyết đã chỉ rõ bốn quan điểm chỉ đạo mà mỗi cán bộ, đảng viên ở mọi cương vị phải quán triệt để có đóng góp tích cực vào công tác tư pháp; Nghị quyết còn đề ra tám nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách, cụ thể mà công tác tư pháp phải thực hiện trong thời gian tới, chủ yếu là giai đoạn 2002 đến 2005.

Trong chỉ đạo thực hiện, đồng chí Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết 08 không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là thời cơ, vận hội đối với đội ngũ cán bộ tư pháp; mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm bắt cơ hội này để nâng tầm của công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân đặt ra cho công tác tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng, đồng chí Chủ tịch nước rất quả quyết là phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật bất kể đó là ai, tổ chức nào và không có vùng cấm.

Với tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và sự triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết tình hình đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong các khâu từ điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp được chú trọng hơn; tình hình lạm dụng bắt khẩn cấp, hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự được khắc phục một bước; công tác kiểm sát được triển khai toàn diện và sâu rộng hơn; tình trạng tồn đọng án kéo dài, quá hạn giảm đáng kể... Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 08, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng cao công tác tư pháp.

Tuy cải cách tư pháp trong 5 năm đã có nhiều chuyển biến tích cực song còn nhiều vấn đề cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị mới thực sự xây dựng được nền tư pháp đúng đắn, hiệu quả hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thông tấn xã Việt Nam, ngày 17/4/2005. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Trên đây là lược ghi một số việc làm quan trọng nhất có ý nghĩa dấu ấn của đồng chí Trần Đức Lương trong suốt quá trình công tác ở các cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước bên cạnh nhiều công việc trọng đại khác mà đồng chí từng đảm nhiệm.

Với phong cách giản dị, khiêm tốn và mẫu mực trong quan hệ với đồng chí, đồng bào; tinh thần lao động cần cù, cẩn trọng, sâu sát, dám nghĩ, dám làm với trách nhiệm cao..., đồng chí Trần Đức Lương thật sự là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo và học tập.

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc
Người dân thành kính tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Người dân thành kính tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Bầu trời Hà Nội hôm nay mưa nặng hạt hơn, kèm theo những cơn dông nhưng cũng không ngăn nổi bước chân của người dân tìm về Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, để thành kính tưởng nhớ đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - người đã dành cả cuộc đời để phụng sự đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN