Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Ảnh: nhandan.vn
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, huyện Nghi Lộc (nay là phường Vinh Lộc), tỉnh Nghệ An. Năm 1927, khi mới 17 tuổi, đồng chí tham gia phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh thành phố Vinh, đấu tranh chống áp bức của đế quốc và phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Hưng Nam. Năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt), là một tổ chức cách mạng của những người yêu nước cấp tiến.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, khi Hội Phục Việt được thành lập (14/7/1925), đồng chí Nguyễn Duy Trinh đang là học sinh. Tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân dưới ách cai trị của chính quyền thực dân, phong kiến, mang trong mình dòng máu yêu nước, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của quê hương và dân tộc, đồng chí tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi chính quyền thực dân trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Năm 1926, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham gia những hoạt động do Hội Hưng Nam tổ chức cho thanh niên, học sinh tham gia sinh hoạt, học tập cùng nhóm bạn bè vào những ngày nghỉ, ngày chủ nhật; nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm ông cha ta; về tấm gương anh dũng của những nhà yêu nước, các anh hùng dân tộc... Trong phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi nhà cầm quyền cho tổ chức lễ tang cụ Phan Châu Trinh, đồng chí đã tham gia cuộc mít tinh do Hội Hưng Nam tổ chức ở chùa Diệc. Đặc biệt, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở các vùng Yên Dũng, Đức Thịnh, Lộc Đa (thuộc Nghi Lộc - Nghệ An), hình thành được một số tổ chức "Nông hội" trong nông dân. Với sự tham gia hoạt động tích cực, năm 1927, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được kết nạp làm hội viên của Hội Hưng Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng cho biết: Nhìn lại những hoạt động yêu nước đầu tiên, đến những đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong tổ chức Tân Việt, có thể thấy đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước nhiệt thành, một tài năng cách mạng bộc lộ từ rất sớm. Mặc dù thời gian hoạt động trong tổ chức Tân Việt không dài, nhưng với những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tổ chức Hưng Nam ở quê nhà Nghệ An, nhất là trong phong trào công nhân ở địa bàn nội đô Sài Gòn và một số vùng phụ cận, đồng chí Nguyễn Duy Trinh mãi được ghi nhận là một yếu nhân của tổ chức Tân Việt.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã góp phần khơi dậy ngọn lửa cách mạng trong các tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại áp bức, cường quyền, nô lệ..., đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cách mạng mang khuynh hướng tư tưởng vô sản. Với sự phát triển về tư tưởng, tổ chức, Tân Việt đã chuyển hóa thành tổ chức cộng sản, trở thành một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Sau hòa bình lập lại, đồng chí được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong giai đoạn đặc biệt cam go của đất nước: vừa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trên cương vị người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng tập thể Bộ Ngoại giao triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sáng tạo và linh hoạt. Đồng chí đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập, củng cố quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Nghệ An Lưu Thị Kim cho rằng, một dấu ấn nổi bật là việc đồng chí tham gia chỉ đạo và trực tiếp đàm phán tại Hội nghị Paris (1968-1973), góp phần quan trọng vào việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với kiến thức sâu rộng, tư duy chiến lược sắc bén, phong cách đàm phán mềm dẻo mà kiên định, đồng chí đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới ngoại giao quốc tế, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Những phẩm chất trung thực, kiên định, bản lĩnh, trách nhiệm và nhân ái, đó chính là kết tinh của truyền thống quê hương xứ Nghệ, của nền tảng gia đình và của quá trình rèn luyện trong thực tiễn cách mạng.
Các đại biểu khẳng định, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thể hiện bản lĩnh và ý chí của người cộng sản kiên cường. Tấm gương về lòng trung thành với Đảng, ý thức trách nhiệm, tận tụy trong mọi công tác, tinh thần chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tin tưởng sắt đá vào tương lai rực rỡ của cách mạng, sẵn sàng hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng và lý tưởng cộng sản của đồng chí Nguyễn Duy Trinh mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi gương.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một minh chứng sinh động cho sức mạnh của truyền thống quê hương, gia đình trong việc hình thành tư tưởng, bản lĩnh và nhân cách cách mạng. Những giá trị ấy không chỉ tạo nền móng cho sự trưởng thành của một nhà lãnh đạo tài năng, mà còn là bài học quý báu cho thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.