Trong ba năm 2011-2013, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, ưu tiên đối với vùng khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, mục tiêu thiên niên kỷ...
Những kết quả bước đầu
Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù chương trình MTQG được thực hiện trong bối cảnh khó khăn của nên kinh tế, nhưng sau 3 năm, các chỉ tiêu an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, xã hội… tiếp tục được cải thiện.
Giai đoạn 2011- 2013, chương trình mục tiêu quốc gia chú trọng hơn đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. |
Điều kiện sống, ăn ở đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân vùng khó khăn và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, dự kiến năm 2013 chỉ còn 7,6%); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm (từ 4,43% năm 2010 xuống còn dưới 4% năm 2013); số lao động được tạo việc làm năm 2013 ước đạt khoảng 1,54 triệu người; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 78% năm 2011 dự kiến lên 82% năm 2013; tỷ lệ số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 60% năm 2013.
Các chương trình MTQG đã huy động được sức mạnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội…), tạo nguồn lực lớn cùng với nguồn lực của nhà nước thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Người nghèo đã được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Các chương trình MTQG đã góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh và giảm ô nhiễm môi trường. Các nội dung hoạt động của chương trình đều hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân, cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và người dân ngày càng được tiếp cận và thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ công trong xã hội... Đó là những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình MTQG đã nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc thể hiện các cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, y tế, ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS, đảm bảo bền vững môi trường…
Cần cơ chế phối hợp
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong điều kiện hiện nay, vấn đề phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành của Chính phủ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Ý kiến của các bộ, ngành hữu quan sẽ góp phần đề xuất các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc huy động nguồn lực cũng như cơ chế điều hành hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là 542.941 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đã bố trí 205.991 tỷ đồng, chiếm 37,93%. Với quan điểm đa dạng hóa nguồn lực tập trung, ưu tiên cho giảm nghèo, thời gian qua, cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, chương trình giảm nghèo đã huy động được nguồn lực của cộng đồng, của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác cho mục tiêu giảm nghèo. Cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo thời gian qua cơ bản được các địa phương đồng tình, tập trung và ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII về kết quả ba năm thực hiện chương trình MTQG, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh một lần nữa khẳng định: So với giai đoạn trước, nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2013 bên cạnh việc bố trí vào xây dựng kết cấu hạ tầng, đã chú trọng hơn bố trí đầu tư phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân địa phương, điển hình như chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Ở một số chương trình MTQG như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã xây dựng được các cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hộ gia đình vay vốn tín dụng xây dựng các công trình vệ sinh; khuyến khích các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước hoặc đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp các công trình nước sạch đã được đầu tư từ ngân sách nhà nước... Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ này đã góp phần nâng cao chất lượng trong công tác duy tu, vận hành và khai thác công trình sau đầu tư, làm cho tính bền vững của chương trình được nâng lên.
Chính phủ đã phê duyệt 16 chương trình MTQG. Thông qua các chương trình này, Chính phủ tập trung nguồn lực và công tác chỉ đạo để giải quyết tốt những vấn đề ưu tiên trong một số lĩnh vực xã hội như giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, dân số và kế hoạch hóa gia đình, lao động và việc làm, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa thông tin, phòng chống các tệ nạn xã hội… Qua ba năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình còn chưa cao.
Các địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của chương trình do thiếu kinh phí hoạt động khi chuyển sang hoạt động thường xuyên của ngành. Việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư thiếu bền vững do hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động phát huy nguồn nội lực của địa phương, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách trung ương. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần có sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị thực hiện chương trình để thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG và nâng cao tính bền vững của chương trình.
Bài và ảnh:Thái Bình