Nâng cao vị thế Thủ đô nghìn năm văn hiến
Tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Thành phố Hà Nội triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng: cơ hội, thách thức và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực tiễn cho thấy, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ đối ngoại với tư cách là một địa phương, mà còn đóng góp tích cực cho hoạt động đối ngoại chung của cả nước. Với nhận thức đó, trên cơ sở kế thừa, phát huy đường lối đổi mới và những quan điểm trong công tác đối ngoại của Đảng nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế của Thủ đô.
Cụ thể hóa chủ trương đó, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương với việc đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào việc hội nhập quốc tế.
Theo đó, đối ngoại của Thủ đô được triển khai trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị, các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân. Đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của thành phố Hà Nội mà các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô cùng tham gia xúc tiến, vận động giao lưu, hợp tác quốc tế, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, năng lực của từng cơ quan địa phương, từ đó hội nhập quốc tế thực sự sâu rộng, bền vững.
Cùng với đó, Thủ đô tiếp tục củng cố, mở rộng hiệu quả quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương giữa Hà Nội với thủ đô và địa phương các nước; trong đó, tập trung đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận cam kết xác lập với các đối tác song phương.
Một giải pháp nữa, theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, đó là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù Thủ đô, tham gia vào các diễn đàn, cơ chế liên đô thị quốc tế; đẩy mạnh đối ngoại kinh tế phục vụ phát triển bền vững, coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, thu hút tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại, đáng sống.
Đồng thời, phát huy đối ngoại văn hóa, quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố đổi mới sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, góp phần thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam; từng bước xây dựng bản sắc văn hóa Hà Nội; trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, với phương châm xuyên suốt: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm hơn nữa mở rộng, nâng cao, phát huy hiệu quả công tác đối ngoại, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.
Quyết tâm thực hiện tốt công tác đối ngoại
Bày tỏ niềm tự hào về kết quả công tác đối ngoại trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc là một điểm nhấn mới trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác đối ngoại, là biện pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố đã đón gần 5.200 đoàn khách quốc tế, trong đó nhiều đoàn Hoàng gia, Nguyên thủ quốc gia, cấp Bộ trưởng các nước đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển của địa phương và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư; đặc biệt, thành phố là địa điểm tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế. Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thành phố.
Năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều hoạt động đối ngoại không thể thực hiện theo hình thức truyền thống, thành phố đã tích cực áp dụng các phương thức thay thế, phù hợp với tình hình mới, đã tổ chức hiệu quả nhiều cuộc làm việc, hội thảo trực tuyến về xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác quốc tế với các đối tác của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thuỵ Điển, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các tổ chức quốc tế. Mới đây, thành phố Đà Nẵng vinh dự được bầu làm Chủ tịch Mạng lưới các chính quyền địa phương về phát triển bền vững vùng bờ nhiệm kỳ 2022-2025 với số phiếu tán thành cao. Đây thành tựu nổi bật về hợp tác đa phương của thành phố được ghi nhận trong năm 2021.
Xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại với vai trò mở đường, và trước các cơ hội, thách thức đang đặt ra, Đà Nẵng xác định rõ các nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cụ thể, thành phố tăng cường công tác đối ngoại Đảng, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, dự báo thông tin về tình hình kinh tế, chính trị thế giới, những định hướng, chỉ đạo của Trung ương để đưa ra những chính sách phù hợp với công tác đối ngoại tại địa phương, đặc biệt những xu hướng nổi lên sau đại dịch COVID-19. Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt, triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế giữa thành phố với các địa phương, tổ chức nước ngoài trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trao đổi kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi nhân lực…, nhằm góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, Đà Nẵng đã ban hành Đề án tổng thể công tác ngoại giao kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đổi mới phương hướng và cách thức tiếp cận các đối tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn; khảo sát thị trường mới; tăng mức độ hiệu quả và giá trị thực tiễn của các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tại thị trường nước ngoài.
Về công tác ngoại giao văn hóa và đối ngoại nhân dân, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Kế hoạch công tác ngoại giao văn hóa thành phố giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ vừa ban hành trong tháng 11/2021. Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm an ninh và chủ quyền biển đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.
“Thành phố Đà Nẵng đã và đang nghiêm túc triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Cùng với nhiều cơ hội, thách thức đan xen trong quá trình thực hiện, thành phố quyết tâm thực hiện tốt công tác đối ngoại, theo sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo để tiếp tục là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.