Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý

Tuyển chọn người có phẩm chất và năng lực giữ các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, góp phần đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Qua đó, phát hiện, lựa chọn được những người xứng đáng, có đủ đức, đủ tài để bổ nhiệm, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây là mục tiêu hướng đến của Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng”, xuất phát từ chủ trương của Đảng về đổi mới công tác cán bộ và từ Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 của Chính phủ. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án về những vấn đề trên. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

-PV: Thưa Thứ trưởng, dự thảo Đề án “thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng” đưa ra các giải pháp đổi mới cách tuyển chọn. Vậy việc đổi mới sẽ thực hiện như thế nào ?

- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc đổi mới cách tuyển chọn bao gồm nhiều giải pháp, ví dụ như: hoàn thiện, bổ sung các quy định hiện hành về bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; thực hiện thi cạnh tranh để tuyển chọn người giỏi hơn bổ nhiệm vào các chức vụ Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng phòng; thực hiện lãnh đạo cấp trên trực tiếp tiến cử Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng phòng; thực hiện cơ chế Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng phòng giới thiệu đề cử Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Sở, Phó Trưởng phòng; đổi mới nội dung cách lấy phiếu tính nhiệm.... Các giải pháp đều có sự thống nhất với nhau, có thể cấp trên tiến cử giới thiệu người để xem xét, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Có thể thi cạnh tranh theo hướng kiểm tra về kiến thức, kĩ năng, trình độ và trình bày Chương trình hành động của người dự tuyển dưới hình thức bảo vệ Đề án trong trường hợp nếu được bổ nhiệm vào cương vị đó sẽ triển khai công tác quản lý lãnh đạo ở đơn vị như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..... Đó là việc đổi mới hoặc bổ sung một số bước trong cả quy trình lựa chọn bổ nhiệm. Đây là đề cương ban đầu, trong quá trình triển khai nghiên cứu, Ban chỉ đạo sẽ phải khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về công tác này để trên cơ sở đó tổng hợp, đề xuất phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra đúng với chủ trương của Đảng về công tác cán bộ hiện nay.



Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng.



Mục tiêu của đề án chính là đổi mới công tác lựa chọn người để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có chất lượng, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

-PV: Những nội dung sẽ kiểm tra thông qua thi cạnh tranh là gì, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đó là kiểm tra các kiến thức chung, cơ bản mà người lãnh đạo, quản lý cần có; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp quy tụ anh em; năng lực tổ chức triển khai thực hiện công việc để đảm bảo hoàn thành tốt, kể cả vấn đề lắng nghe ý kiến của mọi người đối với công việc, với một hoạt động nào đó; kiểm tra các phẩm chất mà người lãnh đạo, quản lý phải có. Dù người đó có trình độ, có năng lực, tài năng đến đâu nhưng cũng cần phải có phẩm chất đạo đức, đó là gốc của người lãnh đạo, quản lý, vì đó sẽ là tấm gương cho mọi n gười trong đơn vị noi theo, phải biết tập hợp đoàn kết quy tụ anh em, mỗi đơn vị đoàn kết tốt, trên dưới một lòng mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, cần phải kiểm tra, đánh giá cả phẩm chất, đạo đức- có thể thông qua kiểm trá hồ sơ dự tuyển, trao đổi, phỏng vấn, trực tiếp tiếp xúc với người dự tuyển để có đánh giá và nhận xét chung. Qua đó, sẽ lựa chọn được người giỏi và xuất sắc hơn bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

-PV: Ban chỉ đạo có lường trước những khó khăn, những lực cản từ tư duy “sống lâu lên lão làng" hay không?

- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đổi mới công tác tuyển chọn lãnh đạo, quản lý nhằm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để bổ nhiệm. Đây cũng chính là để khắc phục tình trạng sống lâu lên lão làng mà mọi người hay đề cập đến. Cái mới trong đề án chính là làm sao xây dựng quy trình thủ tục và phương pháp tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch và phải phát hiện, lựa chọn được những người có đức, có tài, xứng đáng để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Bất cứ cái gì mang tính đổi mới cũng đều ít nhiều gặp khó khăn, vì vậy, để thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều phải có quyết tâm chính trị rất cao.

Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương thời gian qua là một ví dụ cụ thể. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và thực hiện của chính quyền, cách làm này đã được người dân rất ủng hộ. Qua đó đã lựa chọn được những cán bộ quản lý xứng đáng, có thể tiếp cận và đảm đương công việc được ngay. Khi thực hiện chính sách nhân tài, chính sách thu hút người có tài năng trong họat động công vụ cũng chính là đang thực hiện việc bỏ tư duy sống lâu lên lão làng. Đây chỉ là một khâu trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ còn có nhiều nội dung như quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật,.... Đổi mới công tác tuyển chọn có quan hệ đến các khâu khác, vì vậy cần phải đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.

-PV: Thời điểm Đề án sẽ được triển khai? Dự kiến được thí điểm ở những bộ, ngành và địa phương nào thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Từ giờ đến cuối năm 2012, Ban chỉ đạo Trung ương sau khi báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị xem xét. Nếu được thông qua sẽ tiến hành thực hiện thí điểm ngay. Việc thí điểm ở các Bộ, ngành và địa phương cụ thể sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!



Chu Thanh Vân (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN