Với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới", DN FDI đánh giá cuộc đối thoại của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với DN hôm nay thật sự mới và hiệu quả |
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), UBND tỉnh Cần Thơ có cấp Giấy chứng nhận đầu tư với miễn giảm thuế DN như ưu đãi với FDI cho một công ty của AmCham. Tuy nhiên, Cục thuế TP Hồ Chí Minh tuyên bố rằng giấy chứng nhận đầu tư là không hợp lệ và các công ty phải trả thuế cho Cục thuế TP Hồ Chí Minh. Hiện có khoảng 10 trường hợp tương tự ở Việt Nam cũng gặp vướng mắc tương tự. Trong khi đó, Bộ Tài Chính đã nói rằng UBND tỉnh và công ty AmCham đã đúng trong trường hợp này. “Vì thế, tôi kiến nghị UBND Thành phố nên có hành động thích hợp để Cục thuế TP Hồ Chí Minh không tiếp tục tìm cách thu thuế (thuế thu nhập DN, VAT… ) trên doanh thu của Công ty AmCham từ một dự án FDI khác; hoặc yêu cầu cơ quan Trung ương có ý kiến chỉ đạo giải quyết", ông Herb Cochran nói.
Liên quan đến Thông tư 23 về việc nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng sẽ có hiệu lực ngày 1/7/2016, ông Herb Cochran cũng có ý kiến cho rằng thông tư này đang làm nhiều nhà đầu tư có vốn FDI "chùn chân", thay đổi chiến lược hoặc thậm chí bỏ cuộc không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Thông tư 23 khuyến khích DN FDI vận chuyển thiết bị từ Trung Quốc, Mexico, Costa Rica, Malaysia … đến Việt Nam và những máy, móc thiết bị này có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa, nhưng những điều này đang vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO đến hiệp định thương mại, bằng cách thiết lập sự hạn chế một cách tùy ý và không dựa trên khoa học về nhập khẩu. “Tôi không muốn Thông tư này sẽ ảnh hưởng đến các hiệp định thương mại và cũng không muốn Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, là nơi tiêu thụ các thiết bị quá hạn của Trung Quốc”.
Cũng liên quan đến thông tư này, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng một lượng lớn DN Nhật đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng đang gặp khó vì những quy định trong thông tư này. Do đó, DN Nhật nhiều lần kiến nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư Nhật. Còn AmCham kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nên hủy bỏ Thông tư trên.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN TP Hồ Chí Minh (HBA), thì cho biết mặc dù các quy định hiện hành của Nhà nước bắt buộc nhiều địa phương phải "dẹp" các loại giấy phép con nhưng việc này vẫn còn tồn tại rất nhiều nơi, gây phiền hà cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện một dự án tại thành phố. Hệ quả là nhà đầu tư cũng phải đồng thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của từng cơ quan, làm kéo dài thêm thời gian không cần thiết, dự án thì không thể triển khai. Do vậy, cần sớm xóa bỏ các thủ tục hành chính “con” này và thống nhất về một mối, một cửa nhằm khắc phục sự chồng chéo, giúp nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh dự án.
Một nhà đầu tư nước ngoài đến từ Ấn Độ cũng "kêu" rằng, khi thực hiện thủ tục xin phép đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn, cơ quan tiếp nhận liên tục "hành" hàng tháng trời. Theo đó, căn cứ vào giấy hẹn đến văn phòng giải quyết thủ tục pháp lý, người phụ trách được thông báo là vắng mặt 2 lần do đi họp nhưng không có người thay thế giải quyết. "Chúng tôi hy vọng lãnh đạo Thành phố cần chấn chỉnh những việc làm này để đừng làm mất thời gian của doanh nghiệp", vị này góp ý.
Đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cũng đồng tình ý kiến này và kiến nghị nên bố trí nhân viên trực thay nhân viên đang vắng mặt. Ngoài ra, việc thay đổi luật thường xuyên cũng ảnh hưởng đến DN. Bởi trong khi các DN vừa và nhỏ còn nhiều chỗ chưa hiểu biết hết về luật thì việc luật cũ đã đổi thành luật mới, thậm chí còn chưa biết nên vẫn thực hiện theo luật cũ dẫn đến bị phạt.
Tại cuộc gặp gỡ, nhiều DN FDI khác cũng kiến nghị chấn chỉnh lại giao thông để giảm ùn tắc, đồng thời cần cải tiến và xây dựng hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; quy định rõ về áp dụng khác với quy định về đối tượng và mặt hàng được giảm thuế hải quan…
Giải đáp về các kiến nghị của các nhà đầu tư FDI, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị, sở, ban, ngành liên quan trả lời ngay tại chỗ để giải tỏa những bức xúc, khó khăn mà DN đang gặp phải. Liên quan đến thuế, Bí thư đề nghị Cục thuế Thành phố nên có trao đổi với Cục thuế tỉnh Cần Thơ để giải quyết vấn đề ưu đãi cho DN FDI và cùng nhau thương lượng sao cho hiệu quả, không nên vì những quyết định mỗi nơi khác nhau mà để DN FDI phải gánh chịu hậu quả, gây thiệt hại cho DN. Với Cục Hải Quan TP Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng yêu cầu cần giải quyết trọng tâm vấn đề và trả lời có hay không về việc nhiều “cửa phụ”, hay việc giám định hàng hóa hiện nay đều bằng máy móc hiện đại, không nhất thiết phải bắt buộc DN đem hàng hóa đến Chi Cục kiểm định hàng hóa, gây mất thời gian và nhiêu khê cho DN.
Bí thư Đinh La Thăng cũng bày tỏ cảm ơn các DN FDI khi các DN đã đặt niềm tin với TP Hồ Chí Minh, tạo ra môi trường đầu tư sôi động. Bởi sự thành công của DN cũng chính là sự thành công của TP Hồ Chí Minh, giúp thành phố trở thành đầu tư kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của cả nước. “Qua các ý kiến của các Hiệp hội, DN, tôi khẳng định thành phố luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất để các DN thuận lợi kinh doanh, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa. Và tất cả vấn đề DN nêu lên sẽ nghiên cứu xem xét, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động”, Bí thư Thăng nhấn mạnh. Ngoài ra, Bí thư Đinh La Thăng cũng yêu cầu các DN cũng nên tiếp tục nghiên cứu có thêm các dự án đầu tư mới, TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ để hội nhập.