9 tháng năm 2024, Bình Thuận đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; phục vụ đầy đủ vật tư hàng hóa cho sản xuất… Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn bản được giữ vững. Đại đa số đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước sự phát triển của địa phương; đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tích cực tham gia thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tỉnh đã tổ chức 22 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước với trên 1.500 hộ đồng bào tham dự; tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản do đồng bào sản xuất, bảo đảm giá có lợi nhất cho đồng bào. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 46,8 triệu đồng người/năm, tại 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số là 43,6 triệu đồng người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,05%, tương đương 764 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,13%, tương đương 514 hộ. Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho học sinh học tập 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên ở các cấp học được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng...
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 3 năm (từ năm 2022 - 2024) là hơn 427 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2024 đã giải ngân được 233 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận những kết quả tỉnh Bình Thuận đã đạt được thời gian qua trong việc thực hiện các chính sách và công tác dân tộc. Đến nay, hệ thống điện, viễn thông, giao thông, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục... được tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn thấp; công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn; việc làm tại nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc là chiến lược cấp bách và lâu dài để thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát kỹ từng nội dung, dự án đã được giao vốn để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; đồng thời, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện từng công trình dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện, đảm bảo việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến đúng đối tượng, địa phương thụ hưởng chính sách.
Tỉnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Chăm; đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn, tập trung đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở từng địa phương để giải quyết việc làm, hỗ trợ đồng bào thoát nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận xác định việc thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí vốn; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, như chương trình nông thôn mới, chương trình nước sạch nông thôn, giao thông nông thôn…
UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp và quyết tâm đến cuối năm 2024 giải ngân đạt 100% nguồn vốn giao thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của năm 2022 và năm 2023; giải ngân nguồn vốn giao năm 2024 là 95%.