Theo nhận định của Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương, Gia Lai là một tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước, gần 50% là người dân tộc thiểu số, đội ngũ tuyên truyền miệng đã đóng góp rất lớn trong quá trình tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với người dân đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tại Gia Lai, hiệu quả lớn nhất của hoạt động truyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh là tại cơ sở thôn, làng, tổ dân phố. Những người có uy tín trong thôn, làng, tổ dân phố đã phát huy năng lực của mình qua những đợt tuyên truyền miệng cho cộng đồng, cụm gia đình, thậm chí là từng gia đình, từng cá nhân để bà con chấp hành pháp luật, tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Giai đoạn từ năm 2018-2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trực tiếp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở cho 4 xã thuộc 4 huyện được chọn làm điểm. Đồng thời hướng dẫn Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy tổ chức hội nghị tập huấn cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở ở địa phương mình.
Tính đến năm 2020, tỉnh Gia Lai đã có 17/17 địa phương hoàn thành xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở 100% xã, phường, thị trấn với khoảng hơn 2.700 đồng chí trải khắp các thôn, làng, tổ dân phố. Lực lượng này đã góp phần truyền tải kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những chính sách, mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tình hình và giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, người có công, gia đình chính sách, các đối tượng thuộc diện bảo trợ; công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… đến với nhân dân.
Thông qua Hội nghị Báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức, các báo cáo viên được cung cấp các nội dung thông tin được chọn lọc từ các hội nghị Báo cáo viên Trung ương và tình hình của địa phương, bảo đảm được tính khoa học, tính thời sự, tính định hướng. Qua đó, đã góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cũng hướng dẫn các Đảng bộ triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh với hơn 6.000 người (tính đến tháng 6/2022). Năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở tinh gọn, có đủ năng lực để thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở, nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân tại địa bàn dân cư.
Ông Tống Thới Mốc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, để công tác tuyên truyền miệng đạt được hiệu quả tốt nhất, các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở tỉnh Gia Lai ngày càng quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động đội ngũ báo cáo viên. Nhiều phương tiện đã được trang bị và sử dụng có hiệu quả như máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, hệ thống âm thanh... góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên. Hiện nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có phòng họp trực tuyến, 220/220 xã, phường, thị trấn đã được đầu tư trang thiết bị phục vụ kết nối trực tuyến.
Qua buổi làm việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng chế độ thù lao phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở, tạo cơ sở để các tỉnh, thành ban hành văn bản cụ thể hóa Quy chế 973 có tính khả thi đối với chế độ thù lao cho tuyên truyền viên. Đồng thời, tăng cường cung cấp nội dung thông tin, định hướng dư luận đối với các vấn đề nóng, vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ cho lực lượng báo cáo viên, nhất là các kỹ năng về công tác tuyên truyền miệng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai để chỉnh sửa, bổ sung vào quy chế mới, đặc biệt là vấn đề liên quan đến các đề xuất về chế độ, kinh phí của Trung ương. Đồng thời, yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai hoàn thiện Báo cáo 15 năm thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW đúng tiến độ.
Trước đó, ngày 1/7, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành khảo sát công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên tại xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai).