Hiện tại, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 - 25 độ Vĩ Bắc, trên khu vực phía Bắc vẫn tồn tại xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5.000m. Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp đang có xu hướng hoạt động mạnh dần, từ ngày 24/6 đến ngày 26/6, tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Cảnh báo lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt, tại các địa phương như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và vùng lân cận nguy cơ xảy ra lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai thuộc cấp độ 1.
Theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 23/6 tình trạng sạt lở đất đá đã xảy ra ở một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như: Quốc lộ 12, tỉnh lộ 4H… gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ; một số con sông, suối lớn mực nước đã dâng cao và lưu lượng nước đổ về có chiều hướng tăng mạnh.
Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế, bảo đảm tính mạng người dân, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung khẩn trương triển khai công tác phòng chống thiên tai, lũ bão trong mùa mưa năm; đặc biệt tập trung rà soát, di chuyển các hộ sớm di dời khỏi vùng, vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ lụt cao nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được ra sông, suối vớt củi, đi chăn thả gia súc, gia cầm gần khu vực sông suối khi mưa lũ xảy ra, tránh thiệt hại đáng tiếc về người.
Từ đầu năm 2018, các địa phương trên toàn tỉnh Điện Biên đã tập trung rà soát, lập hồ sơ, đề nghị hỗ trợ di chuyển các hộ dân tại các khu vực, địa điểm xung yếu sớm di dời, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ. Chính quyền địa phương đã ưu tiên, bố trí quỹ đất để các hộ dân thuộc diện phải di dời có đất chuyển đến, ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế. Tuy nhiên, do tập quán, thói quen nên hiện nay vẫn còn không ít hộ dân sinh sống gần khe suối, dưới vách taluy, trên sườn núi có kết cấu địa chất yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cần phải di dời.