Ngày 24/10, tại thị trấn Tuần Giáo, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Điện Biên tổ chức xin lỗi công khai đối với bà Đặng Thị Nga (sinh năm 1938), ông Trịnh Huy Dương (sinh năm 1970), ông Trịnh Công Hiến (sinh năm 1963 - đã chết), cùng trú quán tại khối 8, thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là những người bị kết án oan về tội “Giết người” và “Che giấu tội phạm”.
Ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, đọc lời xin lỗi tới gia đình bà Nga. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Điện Biên và huyện Tuần Giáo; đại diện một số ban, ngành của tỉnh, cấp ủy và chính quyền địa phương, gia đình người bị kết án oan, người đại diện hợp pháp của ông Trịnh Công Hiến cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã dự, chứng kiến buổi công khai xin lỗi.
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vào lúc 16 giờ ngày 18/9/1989, bà Đặng Thị Nga ra giếng của gia đình múc nước phát hiện xác của chồng là ông Trịnh Huy Tùng ở dưới giếng, bà Nga đã báo cho cơ quan chức năng.
Ngày 23/9/1989, Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (cũ) khởi tố vụ án hình sự “Giết người” theo Điều 101 của Bộ Luật Hình sự năm 1985.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Công Hiến và ông Trịnh Huy Dương (là con đẻ của ông Tùng và bà Nga) để điều tra về tội giết người.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã căn cứ vào lời khai của những người làm chứng và kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường để đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu truy tố ông Trịnh Công Hiến, ông Trịnh Huy Dương, bà Đặng Thị Nga về tội “Giết người” theo Điều 101 của Bộ Luật hình sự năm 1985.
Bản cáo trạng số 13, ngày 25/1/1990 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu truy tố ông Hiến, ông Dương về tội “Giết người” theo điểm a, khoản 1, Điều 101; truy tố bà Nga về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1, Điều 246 của Bộ Luật Hình sự năm 1985.
Bản án số 10/HS, ngày 14/4/1990 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm vụ án tuyên phạt ông Hiến 18 năm tù vè tội "Giết người", ông Dương 12 năm tù về tội "Giết người", bà Nga 3 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng về tội "Che giấu tội phạm".
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/4/1990, ông Hiến có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 16/4/1990, ông Dương có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm án. Ngày 1/6/1990, bà Nga có bản tường trình gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với nội dung kêu oan.
Bản án số 1414, ngày 18/12/1990 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên án hủy bản án sơ thẩm số 10/HS ngày 14/4/1990 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu để tiến hành điều tra lại vụ án từ giai đoạn điều tra.
Gia đình bà Nga tại buổi xin lỗi. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Hồ sơ vụ án được chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu. Bà Nga tiếp tục có đơn kêu oan và đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét điều tra lại vụ án.
Ngày 24/10/2016 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên nhận được đơn kêu oan của bà Nga. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Điện Biên xem xét, nghiên cứu hồ sơ vụ án để có cơ sở giải quyết đơn kêu oan của bà Nga.
Ngày 17/10/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên ban hành các quyết định: Quyết định đình chỉ vụ án hình sự (căn cứ vào khoản 5 Điều 107; điểm a, khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003); quyết định đình chỉ vụ án xảy ra vào đêm 17, rạng sáng 18/9/1989 theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 29 ngày 23/9/1989 của Công an huyện Tuần Giáo; Quyết định đình chỉ điều tra bị can (căn cứ vào khoản 2 Điều 107 và điểm a khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Nga đã bị khởi tố bị can theo quyết định khởi tố bị can ngày 04/10/1989 của Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu về tội “Giết người”; Quyết định đình chỉ điều tra bị can (căn cứ vào khoản 2 Điều 107 và điểm a khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Hiến đã bị khỏi tố bị can theo quyết định khởi tố bị can ngày 26/10/1989 của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu về tội “Giết người”; Quyết định đình chỉ điều tra bị can (căn cứ vào khoản 2 Điều 107 và điểm a khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Dương đã bị khởi tố bị can theo quyết định khởi tố bị can ngày 26/10/1989 của Phòng Cảnh sát điều tra Công tỉnh Lai Châu về tội “Giết người”.
Các quyết định này được ban hành do có căn cứ xác định bà Nga không có hành vi “Che giấu tội phạm”, các ông Hiến và Dương không có hành vi “Giết người”.
Tại buổi công khai xin lỗi, ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05 ngày 02/11/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, bà Nga, ông Dương, ông Hiến thuộc đối tượng được bồi thường.
Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan chịu trách nhiệm thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng đứng ra xin lỗi, cải chính và thương lượng, giải quyết bồi thường cho những người bị kết án oan là bà Nga, ông Dương và người đại diện hợp pháp cho ông Hiến (đã chết).
Trong thời gian tới khi bà Nga, ông Dương và người đại diện hợp pháp của ông Hiến có yêu cầu, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ tiến hành việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.