Dịch COVID-19 tại Bến Tre diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh

Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, trong đó chủ yếu ghi nhận tại cộng đồng và khu công nghiệp.

Tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, chủ động phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Số ca mắc ghi nhận ở 3 con số

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Bến Tre đều ở 3 con số. Cụ thể, ngày 28/11 là 466 ca, ngày 29/11 là 280 ca, ngày 30/11 là 492 ca, ngày 1/12 là 411 ca. Riêng trong ngày 2/12  tỉnh có 596 ca mắc, cao nhất từ đầu mùa dịch đến nay. Con số này cao hơn đỉnh dịch tại địa phương vào tháng 7/2021 (chỉ dưới 55 ca/ngày). Điều đáng nói là các ca mắc hiện nay chủ yếu được ghi nhận trong cộng đồng - chiếm tới 59,7%, còn tại khu công nghiệp là 27,3%, khu cách ly - 9%…

Chỉ tính riêng từ 18 giờ ngày 2/12 đến 6 giờ ngày 3/12, địa phương ghi nhận thêm 88 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đều ở trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh đến nay lên 8.942 ca. Trong đó, có 4.133 bệnh nhân đã được xuất viện và 70 trường hợp tử vong. Trên địa bàn tỉnh có 2 trong số 9 đơn vị hành chính cấp huyện đang có dịch ở cấp độ 4 - "nguy cơ rất cao" và 7 đơn vị còn lại ở cấp độ 3 - "nguy cơ cao". Có 37 xã thuộc cấp độ 4, có 80 xã ở cấp độ 3, có 40 xã ở cấp độ 2.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, tính đến chiều 2/12, Bến Tre đã tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 cho trên 1 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên, chiếm 96,21%, trong đó hơn 709 nghìn người đã được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 68,10%). Ngoài ra, tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 36.259 học sinh trung học phổ thông (chiếm 97,8%) và 42.352 học sinh trung học cơ sở.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các trường hợp bệnh ghi nhận chủ yếu qua test sàng lọc tại cơ sở lao động, cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch; đồng thời đã có ghi nhận trường hợp tự phát hiện qua test nhanh tại nhà. 

Đẩy mạnh triển khai điều trị F0 tại nhà

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn với số ca mắc liên tục tăng, để góp phần giảm tải cho các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, tạo thuận lợi cho người mắc không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ được chăm sóc tốt hơn về thể chất, tinh thần, Bến Tre triển khai việc quản lý, chăm sóc người mắc tại nhà khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.

Cụ thể, Bến Tre triển khai điều trị, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, nơi lưu trú đối với các trường hợp bảo đảm các tiêu chí như: người mắc không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi); không có dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời... Ngoài ra, các trường hợp này còn phải đáp ứng thêm tiêu chí đã tiêm đủ liều hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc có đủ 3 yếu tố là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi không có bệnh nền, không đang mang thai.

Thành phố Bến Tre một trong 4 địa phương ở tỉnh có số ca mắc tăng cao nhất trong 7 ngày qua và đang ở cấp độ 4 của dịch. Ông Huỳnh Vĩnh Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre, cho biết, địa phương đã đưa vào vận hành 3 cơ sở thu dung, điều trị nhưng hiện nay tất cả các nơi này đã quá tải. Từ ngày 23/11, thành phố bắt đầu triển khai quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà để tránh quá tải cho hệ thống cơ sở y tế, với khoảng 101 bệnh nhân phân bổ khắp 13/14 xã, phường.

Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang gặp khó trong quá trình triển khai cách ly, điều trị tại nhà do mật độ phân bố dân cư đô thị cao, san sát. Số nhân khẩu sống chung trong gia đình tương đối nhiều, điều kiện phòng cách ly chưa đảm bảo theo quy định… Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị cấp xã rà soát điều kiện của từng bệnh nhân để điều trị, cách ly tại nhà một cách an toàn, hiệu quả nhất. Mặt khác, thành phố chỉ đạo các xã, phường khảo sát đề xuất thêm khu thu dung, điều trị ở mỗi xã, phường (trường học, nhà văn hóa xã… để thu dung, điều trị)...

Tính đến chiều 2/12, trong số 3.090 bệnh nhân trong tỉnh đang được điều trị thì có hơn 300 người điều trị tại nhà. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, con số này cho thấy việc cách ly, điều trị tại nhà hiện nay chưa mạnh. Hiện số ca mắc tăng nhanh, các huyện cần mạnh dạn điều trị F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà, qua đó giảm tải áp lực cho hệ thống y tế. Để làm được điều này, các địa phương phải tăng cường hệ thống y tế cơ sở (Trạm Y tế lưu động, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng…), đặc biệt là điều tiết, đảm bảo lực lượng y tế tại chỗ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, khi thực hiện cách ly y tế cho F0 tại nhà thì cần có những hướng dẫn cụ thể về cách ly, đảm bảo trang bị đầy đủ các túi thuốc y tế theo đúng đối tượng. Đó là cách để tạo được sự an tâm của người dân khi điều trị tại nhà. Đối với các F0 có triệu chứng thì phải cách ly tập trung để thu dung điều trị hiệu quả, giảm tử vong đến mức thấp nhất. Song song đó, ngành y tế cần tính đến phương án huy động nguồn nhân lực y tế như bác sỹ về hưu, sinh viên ngành y… sẵn sàng tham gia chống dịch trong các tình huống. Mặt khác, cần phát huy xã hội hóa về y tế và vai trò của y tế tư nhân.

Ông Trần Ngọc Tam đề nghị các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả; triển khai tiêm nhanh, tiêm an toàn vaccine mũi 2 cho người dân, trong đó ưu tiên đối tượng bệnh nền, nguy cơ cao. Ngành y tế chuẩn bị mua sắm trang thiết bị y tế; tham mưu đề xuất lập thêm các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó với tình huống của dịch bệnh, đặc biệt là những biến chủng mới của virus.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại địa phương

Trong tình huống dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Bến Tre đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng sớm, triệt để, trên tinh thần "phát hiện đến đâu thực hiện kiểm soát đến đó".

Bí thư Đảng ủy xã An Thới (huyện Mỏ Cày Nam) Trần Thanh Liêm cho biết, sau khi phát hiện nhiều trường hợp nghi ngờ tại khu vực chợ Giồng Văn vào chiều 1/12, địa phương đã tiến hành phong tỏa hẹp các địa điểm trên. Đồng thời, địa phương triển khai truy vết F1, F2 và thực hiện test nhanh để sớm phát hiện F0. Tính đến ngày 2/12, xã đã ghi nhận 42 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và hơn 30 trường hợp được chuyển đến cách ly tạm thời tại điểm Trường Mầm non ấp An Hòa...

Lãnh đạo huyện Mỏ Cày Nam thông tin, trong 7 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 tăng cao (258 ca). Hiện 3 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Cẩm Sơn, Trường Trung học Phổ thông Ca Văn Thỉnh (xã An Định) và Trung tâm Chính trị huyện (xã Đa Phước Hội) đang điều trị cho 189 trường hợp, 66 người được điều trị tại nhà. Huyện đã kích hoạt, vận hành 16 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; huy động nguồn lực xã hội hóa để trang bị các phương tiện vận chuyển người nhiễm, trang thiết bị, vật tư y tế…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết, địa phương hiện có 480 ca F0 đang được điều trị, trong đó tại các cơ sở thu dung điều trị của huyện là 386 bệnh nhân. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là Thông điệp 5K; rà soát và tìm phương án để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 3.095 người, trong đó có là 800 người khai thác, đánh bắt xa bờ.

Huyện áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 theo cấp độ dịch tại từng đơn vị hành chính cấp xã theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả. Địa phương đã hướng dẫn các cơ sở lao động, doanh nghiệp đang hoạt động quản lý công nhân, bố trí dây chuyền sản xuất theo cụm-tổ, đảm bảo sản xuất an toàn.

Quyết liệt kiểm soát dịch tại doanh nghiệp sản xuất

Qua thống kê, từ ngày 4/10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 75 cơ sở lao động trong và ngoài khu công nghiệp có ca mắc COVID-19, với 1.751 ca. Trong đó, tại khu công nghiệp Giao Long đã ghi nhận 18 công ty có ca bệnh.

Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bến Tre Đoàn Viết Hồng cho biết, hiện 35.758 công nhân trong các khu công nghiệp đã được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 (đạt 98,59%), 34.406 công nhân tiêm đủ 2 mũi (đạt 94,87%). Điều đáng mừng là tất doanh nghiệp đã và đang củng cố phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng trường hợp cụ thể như không có ca bệnh, ít ca mắc và nhiều ca mắc.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu, các doanh nghiệp có đông lao động mở rộng vùng đệm cách ly khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, CDC tỉnh, y tế huyện và các doanh nghiệp thành lập Tổ điều phối hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp. Bước đầu, Tổ đã chuẩn bị cơ sở vật chất gồm 30 giường thu dung, cách ly tạm thời F0 tại vùng đệm khu công nghiệp Giao Long, còn khu An Hiệp đang trong giai đoạn nước rút lắp đặt vách ngăn, nhà vệ sinh... với công suất khoảng 80 giường, ông Đoàn Viết Hồng thông tin.

Do số lượng ca mắc COVID-19 trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn và tiềm ẩn nguy cơ cao, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ lưu ý, Ban Quản lý các Khu công nghiệp cùng ngành y tế phải đánh giá, quản lý chặt chẽ việc thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện phòng, chống dịch. Nếu phát sinh ca mắc mới thì phải khoanh vùng, dập dịch ngay, tránh để lây lan trong công ty hoặc ra ngoài cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, vận động công nhân tiêm tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 vừa bảo vệ sức khỏe mỗi người vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp và cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, nhiệm vụ của tỉnh hiện nay là kiềm chế tốc độ gia tăng của các ca F0, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ở cấp, địa phương phụ trách. Trên cơ sở phân loại, đánh giá cấp độ dịch, các địa phương thực hiện nghiêm, đúng quy định các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo đúng cấp độ...

Ngoài ra, các địa phương cần triển khai mở rộng việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà, tạo ý thức trách nhiệm xã hội và giảm áp lực cho hệ thống y tế; khẩn trương kích hoạt, vận hành hiệu quả các trạm y tế lưu động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị tại nhà. Cùng với đó là phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ phòng, chống COVID-19 trong doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; quan tâm đến công tác phân loại và thu dung điều trị tích cực bệnh nhân tầng 2, tầng 3, hướng tới mục tiêu giảm thấp nhất ca tử vong, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Bến Tre: Số ca mắc COVID-19 cao hơn 6,5 lần so với đỉnh dịch tháng 7/2021
Bến Tre: Số ca mắc COVID-19 cao hơn 6,5 lần so với đỉnh dịch tháng 7/2021

Tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre chiều 2/12, ông Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 7 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, trung bình 416 ca/ngày, cao hơn 6,5 lần so với đỉnh dịch tháng 7/2021 (dưới 55 ca/ngày). Hiện toàn tỉnh không còn địa phương "màu xanh", tương ứng cấp độ 1 - "nguy cơ thấp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN