Đến năm 2025 sẽ chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn

Ngày 2/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch đồi chè tại thôn Hòa An, xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn

Theo đó, việc phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.  

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.  

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Tổ chức thực hiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo đúng tiến độ và quy định hiện hành; rà soát kỹ lưỡng nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo với nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình chuyên đề và các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ mạng lưới điểm du lịch nông thôn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến phát triển du lịch nông thôn.

Xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP.

Tổng hợp, lựa chọn, phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện gắn với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình trong Kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn về cơ chế, định mức theo nội dung hỗ trợ của Chương trình trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia, khu  bảo tồn thiên nhiên.  

Theo dõi, giám sát, tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình nếu cần thiết; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn; thu hút khách, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về vùng nông thôn... theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn, chi tiêu của khách du lịch tại khu vực nông thôn.

Hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.  

Lồng ghép, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trong và ngoài nước; triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn; tổ chức các chương trình khảo sát, kết nối sản phẩm du lịch nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình trong kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình trong kế hoạch kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành.

Các địa phương có điều kiện phát triển du lịch nông thôn xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các quy hoạch liên quan; ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch nông thôn trong đề án, chương trình hoặc kế hoạch đã được phê duyệt.  

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy các giá trị độc đáo của từng vùng miền, địa phương. Triển khai thực hiện và bố trí nguồn vốn đối ứng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho điểm du lịch nông thôn (theo đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn đã được phê duyệt).

Đề xuất, phê duyệt và triển khai mô hình thí điểm thuộc Chương trình hỗ trợ từ ngân sách trung ương; hỗ trợ kinh phí, phê duyệt và triển khai các mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai Chương trình trên địa bàn, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

V.T/Báo Tin tức
Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến du lịch có tăng trưởng cao trên thế giới
Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến du lịch có tăng trưởng cao trên thế giới

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 1/8 cho biết: Tính chung 7 tháng của năm 2022, nước ta đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN