Phiên họp thứ 33, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến Bộ luật Dân sự lên 3 tháng

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Về hình thức sở hữu, Bộ luật dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu là: (1) sở hữu nhà nước; (2) sở hữu tập thể; (3) sở hữu tư nhân; (4) sở hữu chung; (5) sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; (6) sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Dự thảo Bộ luật quy định hai phương án về hình thức sở hữu. Phương án 1: Hình thức sở hữu trong Bộ luật dân sự bao gồm, sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án này dựa vào các căn cứ Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận các hình thức sở hữu ở nước ta tại các điều 32, 51 và 53, trong đó có sở hữu toàn dân với tư cách là một hình thức sở hữu độc lập.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, có thể xác định Nhà nước chính là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này. Vì vậy, trên cơ sở sở hữu toàn dân, Bộ luật dân sự cần ghi nhận cụ thể vai trò của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản công; cơ chế thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân có nhiều điểm đặc thù so với các hình thức sở hữu khác. Do đó, cần phải có chế độ pháp lý riêng biệt về hình thức sở hữu này trong Bộ luật Dân sự.

Phương án 2: Hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm, sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Phương án này dựa vào việc quy định hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung là để phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu trong các quan hệ dân sự.

Theo đó, khi xác định hình thức sở hữu thì cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu (một chủ thể hay nhiều chủ thể) đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể cụ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành; sở hữu toàn dân được hiểu là một hình thức sở hữu chung do toàn dân là chủ sở hữu mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân có sự khác biệt với các hình thức sở hữu chung khác. Do đó, mặc dù sở hữu toàn dân không phải là một hình thức sở hữu độc lập nhưng cần quy định thành một mục riêng trong chế định về sở hữu chung.

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phân tích rõ lý lẽ của từng phương án để nhân dân lựa chọn; đồng thời cần rõ ràng giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu.

Thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng 6 hình thức sở hữu được ban soạn thảo gom lại như phương án Chính phủ trình dường như có lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu. Đại biểu đề nghị cần làm rõ vấn đề này và đề xuất có ba hình thức sở hữu là: sở hữu Nhà nước, sở hữu chung (có thể bao gồm cả sở hữu tập thể) và sở hữu tư nhân. Đại biểu nhấn mạnh nội dung về hình thức sở hữu trong dự án Luật cần có sự tiếp thu quy định tại luật hiện hành, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị mục đích, yêu cầu nêu trong Nghị quyết cần bám sát và cụ thể hóa được tinh thần của Điều 28 Hiến pháp.

Về thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), theo dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 15/1/2015 và kết thúc vào ngày 31/3/2015. Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền và nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn cho rằng thời gian lấy ý kiến như vậy là ngắn vì đợt lấy ý kiến đúng dịp nghỉ Tết dài ngày, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật. Nhiều ý kiến đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân lên 3 tháng.

Tiếp thu ý kiến này, sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có giải trình rõ thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ bắt đầu từ 5/1- 5/4/2015. Các ý kiến của các tập thể, cá nhân sau thời điểm này sẽ gửi về Bộ Tư pháp để ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến nhân dân. Đầu mối chủ trì lấy ý kiến của nhân dân gồm: Chính phủ, (gồm bộ, ngành, UBND các địa phương), MTTQ Việt Nam là đầu mối tập hợp ý kiến của các thành viên của MT; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2015 của các cơ quan của Quốc hội.


Quỳnh Hoa (TTXVN)
13 Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015
13 Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015

13 luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2015, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Phá sản, Luật Đầu tư công, Luật Hải quan...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN