Đây là dự thảo luật đã từng được thảo luận từ Quốc hội khoá 13 và còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Với dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án luật - đã gửi các vị đại biểu chuyên trách nhiệm kỳ mới báo cáo về 8 vấn đề. Một trong số đó là quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Các lễ hội tín ngưỡng được tổ chức theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Đảm bảo sự thống nhất và thuận lợi
Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Nhiều đại biểu đề nghị giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan nào quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng phải thể hiện rõ là tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động, do vậy đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hợp lý.
Đại biểu Trần Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, cần giao cho một cơ quan độc lập để quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tốt hơn. Ông Vượt cũng cho biết, vấn đề tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên rất phức tạp, nếu giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ lại giao cho Sở thì quản lý vẫn chưa sát vì Sở cũng có rất nhiều việc cần làm. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị nếu chưa sắp xếp được cơ quan quản lý thì giữ nguyên như hiện nay.
Nên cấm những lễ hội đâm chém bạo lực
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu quan điểm: Luật cần quy định thêm các hành vi bị cấm là lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại độc vật tàn bạo, mê tín dị đoan, gây phản cảm, bức xúc. "Những lễ hội như chém lợn, đâm trâu, chọi trâu..., phơi ra giữa sân định khiến người dân trong và khách du lịch ngoài nước trông thấy, không hiểu người Việt Nam là như thế nào? Có thể đây là truyền thống đã hàng ngàn năm, nhưng giờ đã trở thành mông muội trong một thế giới đã văn minh, nhân văn hơn", bà Khánh cho biết. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đồng thời đánh giá cao việc dự thảo luật quy định rõ hơn về trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan tổ chức lễ hội trong việc sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội đúng mục đích, công khai, minh bạch. Theo bà, đây là việc lâu nay người dân rất bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nêu bức xúc về việc đốt vàng mã quá nhiều, gây ô nhiễm, lãng phí, ảnh hưởng cả đến giao thông, xả rác tràn lan... không được quản lý. Ông Phương kiến nghị giải pháp đánh thuế cao mặt hàng vàng mã.
Người nước ngoài được hoạt động tín ngưỡng như người Việt Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử. |