Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 12/2/2017 về thành lập Ban Chỉ đạo này do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Thường trực là Bộ trưởng Bội Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Hai Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Cuộc họp đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo) báo cáo về Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2017 và các năm tiếp theo; kế hoạch nghiên cứu và dự thảo Đề cương Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Đề cương Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề cương Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Việc thực hiện ba Đề án trên được Hội nghị Trung ương 7 khóa XI giao cho Chính phủ chủ trì xây dựng nhằm cải cách, nâng cao chất lượng các chính sách an sinh xã hội quan trọng này, vốn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế, xã hội của đất nước, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người hưởng lương và trợ cấp, đến tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, thu chi, cân đối, phân bổ ngân sách Nhà nước. Chính sách tiền lương đúng, phù hợp sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoạt động công vụ; khai thác và phát huy tiềm năng vô hạn từ người lao động và người làm công hưởng lương.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, chính sách ưu đãi người có công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện đặc trưng và ưu việt của chế độ chính trị đất nước ta. Ưu đãi người có công với cách mạng là tôn vinh, biết ơn, bù đắp công lao đối với những người và gia đình đã cống hiến, đóng góp, hi sinh cho sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án Cải cách chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2018 - 2025 là rất cần thiết; tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ toàn diện các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người có công và thân nhân người có công, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người có công và gia đình họ, tạo nên đông thuận và ổn định chính trị, xã hội của đất nước.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng đã trình bày Dự thảo đề cương Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Đề án tập trung vào các hoạt động chính chia theo các nội dung về tổng quan kinh nghiệm quốc tế; tổng quan hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng về bảo hiểm xã hội; tổng quan chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam từ năm 1985 - 2016 và đánh giá tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 1996 - 2016; dự báo bối cảnh kinh tế, xã hội, dân số, thị trường lao động…
Tại cuộc họp, một số đại diện các bộ, ngành đã thảo luận và đồng nhất với quan điểm: Cần hoàn thiện khung của Đề án tổng thể trước khi hoàn thiện chi tiết các Đề án nhánh. Khung Đề án tổng thể phải thống nhất, làm rõ mục tiêu, từ đó mới khảo sát, rà soát lại các cơ chế chính sách để xây dựng nội dung chi tiết mang tính đặc thù song vẫn phải dựa trên cơ sở chung thống nhất và học hỏi những kinh nghiệm từ quốc tế; phân công các bộ thực hiện khảo sát trong ngành, lĩnh vực của mình, đặc biệt về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, tạo tiền đề giúp Bộ Nội vụ tổng hợp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện.