Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khái quát tình hình triển khai đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, cụ thể, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông dài 13 km; tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn Cầu - Giấy) dài 8,5 km. TP Hồ Chí Minh đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là cần thiết, nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp để triển khai đầu tư, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền cho hai Thành phố trong việc triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu phát triển của địa phương.
Tại dự thảo Nghị quyết này quy định 8 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chính sách riêng cho TP Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện.
Trao đổi về đề xuất "Phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD", đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý đối với đề xuất này; đồng thời rà soát với quy định tại Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, giải trình thêm trường hợp kéo dài thời gian thực hiện đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị có liên quan đến nước ngoài.
Liên quan đến đề xuất “Dự án được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án”, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá thêm tính khả thi của đề xuất này; đồng thời quy định rõ các nội dung liên quan đến thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED).
"Theo quy định của pháp luật về đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở. Vì vậy, khi đề xuất lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở, cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cách xác định tổng mức đầu tư cho phù hợp", đại diện Bộ Xây dựng đề nghị.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết theo tinh thần là Nghị quyết phải quy định cơ chế, chính sách đặc thù, phải thực sự là giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 và Văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024 của Bộ Chính trị nhằm phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đối với dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ hơn các nội dung như thu hút nguồn lực; rút ngắn tối đa thủ tục trình tự; thực hiện tối đa việc phân cấp, phân quyền và tính hiệu quả kinh tế, xã hội của các dự án.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung trong các điều, khoản quy định về trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, cụ thể là trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân… nhằm bảo đảm thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.