Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

Đề nghị bổ sung đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam và việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

Liên quan đến thời gian lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, đối tượng điều chỉnh, phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đa số đại biểu đồng tình với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35 bởi ngay từ tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu Chu Sơn Hà và Bùi Thị An (Hà Nội) lại cho rằng cần mở rộng phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do đó, cần thay hoàn toàn Nghị quyết 35/2012/QH13 và các văn bản liên quan bằng một nghị quyết mới.

Có ý kiến đề xuất nên xem xét theo hướng không nên lấy phiếu tín nhiệm với những người thuộc cơ quan dân cử. Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc mở rộng lấy phiếu tín nhiệm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vì theo Hiến pháp quy định chức danh này do Quốc hội phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị An phát biểu tại tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Thảo luận về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đại biểu chỉ để ở hai mức là “Tín nhiệm” và “Không tín nhiệm” trong khi một số ý kiến khác đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên để ở ba mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp” như quy định của Nghị quyết số 35.

Theo quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm bởi mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là căn cứ cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Song, một số đại biểu cho rằng việc xác định ba mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết là quá thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.

Đồng tình với việc quy định hai mức đánh giá tín nhiệm, các đại biểu các đại biểu Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết, Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng nếu giữ ba mức tín nhiệm như dự thảo Nghị quyết, cách giải thích cần khoa học, hợp lý hơn. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để xách định cán bộ đó được tín nhiệm đến đâu, nếu thấp phải đề ra phương án để khắc phục, đưa ra hai mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm sẽ thấy được rõ ràng, không chung chung, đồng thời các đại biểu cũng thấy rõ hơn. Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri đặt vấn đề căn cứ vào đâu mà đánh giá người này tín nhiệm cao, người kia tín nhiệm hay tín nhiệm thấp nhưng cá nhân đại biểu rất khó trả lời.

Cho ý kiến về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, có đại biểu cho rằng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, song có ý kiến đề nghị chỉ nên lấy một lần vào giữa kỳ hoặc hai lần vào đầu và cuối kỳ. Lý giải của đại biểu cho thấy cả kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần là quá ít trong khi nếu một năm lấy tín nhiệm một lần là quá nhiều.


Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), nếu lấy tín nhiệm hàng năm không khéo sẽ gây bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Đại biểu thống nhất chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm một lần ở kỳ thứ 2 của năm thứ 3, chỉ lấy một lần để nâng cao tính tự giác của cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác, giúp cho việc đánh giá cán bộ đó vào nhiệm kỳ tiếp theo.

Các đại biểu cũng cho rằng nếu cán bộ có mức độ tín nhiệm thấp (dưới 50%) thì nên vận động từ chức luôn và nên xây dựng nếp văn hóa từ chức, sau này làm tốt có thể lại sắp xếp trở lại.


Chu Thanh Vân

Khắc phục hạn chế trong lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
Khắc phục hạn chế trong lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Ủy ban pháp luật nhất trí với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN