Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6/1/1946) đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước: có một Quốc hội, có một Chính phủ thống nhất, hợp pháp và đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại; một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trải qua 14 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đã thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc qua các khóa đã thực sự trở thành những đại biểu tin cậy của cử tri; đã có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động của Quốc hội cũng như trong sự nghiệp phát triển của đất nước, cả trong việc hoàn thiện thể chế, thực hiện giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng, dự án quan trọng của đất nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhận các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội và của địa phương. Nhiều đại biểu vừa tham gia công việc của Quốc hội, vừa trực tiếp tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ của đất nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; là cầu nối giữa nhân dân với các cấp lãnh đạo của tỉnh; luôn gắn bó, đại diện cho quyền lợi hợp pháp của cử tri, nhân dân. Với tư cách là người đã tham gia 2 khóa Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, bày tỏ lòng cảm ơn đối với Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, những cử tri đã tin tưởng, giúp đỡ trong thời gian công tác tại tỉnh trong nhiều năm.
Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới Vĩnh Phúc phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phát triển mạnh mẽ trong tình hình mới của đất nước. Vĩnh Phúc cần tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, trở thành tỉnh văn minh, hiện đại; trong đó tập trung thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, tiếp tục lấy công nghiệp là nền tảng cho phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển nông nghiệp, tái cấu trúc nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tới các đối tượng chính sách, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định: Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Quốc hội đã thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại.
Đóng góp vào sự phát triển chung của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc có đông đảo đại biểu, có đại biểu tham gia nhiều khóa. Trong mỗi nhiệm kỳ hoạt động, các đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực sự là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân địa phương.
Riêng nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đóng góp, thảo luận 120 dự thảo luật, 112 dự án luật; tổ chức 18 cuộc giám sát, khảo sát, 162 điểm tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chủ động xây dựng các kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, góp ý vào các dự án luật, trong đó, nội dung góp ý xây dựng pháp luật tập trung vào những vấn đề lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xã hội và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp…