Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 sáng 16/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng thấp. Nhiều bộ, ngành, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân theo Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; lấy dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; phân công cán bộ bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTW) hằng năm.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, GPMB là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (BQLDA) phối hợp chặt chẽ với chính quyền công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, GPMB; tính toán đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước và ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, GPMB đối với phần diện tích đã đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 5 ngày làm việc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, kịp thời tháo gỡ có khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong công tác quyết toán dự án theo thẩm quyền; đồng thời, tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công và khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các địa phương cần đảm bảo nguồn vốn ngân sách cho chi đầu tư phát triển, thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ nguồn thu, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương chi cho đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 trước ngày 31/7/2024.