Đẩy mạnh cải cách hành chính - Bài cuối: Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ.

Chú thích ảnh
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ.

Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước

Năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số. Với phương châm công khai, minh bạch, không phiền hà, không tiêu cực, giải quyết đúng quy định, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu phục vụ, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình đã khẳng định vai trò là đầu mối tập trung tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, nhằm thuận tiện cho người dân; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Đồng chí Phạm Văn Chung, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc thành lập và đưa Trung tâm chính thức đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm chính trị  của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác công tác cải cách  hành chính, nhất là cải cách thủ tuc hành chính. Xác định được điều đó, Trung tâm yêu cầu đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với phương châm "lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phục vụ". Mỗi công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm đã tích cực rèn luyện tác phong, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực thi chế độ công vụ, có thái độ ứng xử đúng mực trong giao tiếp với cá nhân, doanh nghiệp khi đến giải quyết thủ tục hành chính, không gây khó khăn, phiền hà, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, đúng quy định, qua đó tạo môi trường làm việc nền nếp, chuyên nghiệp.

Hiện Trung tâm tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết gần 1.400 thủ tục hành chính của 17 sở, ban, ngành và 57 thủ tục hành chính của 3 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Việc tra cứu thông tin, quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm được thực hiện nhanh chóng, chính xác và thuận tiện thông qua hệ thống 18 màn hình cảm ứng.

Số hồ sơ tiếp nhận trung bình mỗi ngày là trên 300 hồ sơ/ngày. Năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình/tháng của 01 nhân sự trực tại Trung tâm là trên 250 hồ sơ. Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 10.721 hồ sơ, đạt tỷ lệ 50,7%. Trung tâm đã chủ động triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ thông tin cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thông qua: Website và hệ thống Tổng đài điện thoại. Trung tâm đã tiếp nhận, hướng dẫn và giải đáp 756 cuộc gọi điện thoại của tổ chức, công dân tìm hiểu thông tin về quy trình, cách thức thực hiện thủ tục hành chính.

Anh Nguyễn Văn Đông, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, "thời gian gần đây, Trung tâm hành chính công tỉnh đã đưa thêm tính năng tra cứu tiến trình giải quyết thủ tục hành chính thông qua ứng dụng quét mã QR trên ứng dụng zalo được tạo tự động trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Qua tính năng này, tôi chỉ cần quét mã QR trên ứng dụng zalo là có thể tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính mà không cần phải nhập mã hồ sơ để tra cứu trên cổng dịch vụ công của tỉnh như trước đây. Hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục mà không cần phải đến trực tiếp giúp cho người dân chúng tôi giảm được nhiều chi phí đi lại, thời gian." 

Thời gian tới, Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp thực hiện số hóa hồ sơ, luân chuyển, tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, Trung tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ngành để tiếp tục rà soát, đơn giản hoá, chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong năm 2021 và 2022, thực hiện chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh việc cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 19 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính với tổng số 1.157 thủ tục, trong đó: 577 thủ tục hành chính được công bố mới, sửa đổi, bổ sung và 580 thủ tục hành chính bị hủy bỏ. Tính riêng trong quý III/2022, UBND tỉnh đã ban hành 10 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính với tổng số 97 thủ tục hành chính, trong đó: 47 được công bố mới, sửa đổi, bổ sung và 50 thủ tục hành chính bị hủy bỏ. UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022, trong đó tổng số thủ tục hành chính cần rà soát, đánh giá là 58 thủ tục; ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 05/9/2022 phê duyệt phương án đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh năm 2022. Đến ngày 15/9/2022, UBND tỉnh đã cắt giảm được 2.027 giờ trong quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời.

Kết luận tại hội nghị đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án 06 và trong Kế hoạch số 46/KH-UBND của UBND tỉnh. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất cấp bổ sung trang thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chọn lựa, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về năng lực chuyên môn làm công tác tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến  tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền những tiện tích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo sự đồng thuận, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trước hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước phải gương mẫu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính.

Với những nỗ lực nhằm cải cách thủ tục hành chính mang đến sự thuận tiện, lợi ích cho người dân và tổ chức, năm 2021, tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, hay còn gọi là chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Ninh Bình đạt 89,36%, cao hơn chỉ số trung bình chung của cả nước và xếp vị trí 12/63 tỉnh/thành phố. Trong đó, Chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính đạt 89,58% (xếp vị trí 22/63); Chỉ số hài lòng về công chức đạt 87,91% (xếp vị trí 33/63); Chỉ số hài lòng về kết quả dịch vụ đạt 88,72% (xếp vị trí 42/63); Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị đạt 91,73% (xếp vị trí 5/63).

Hải Yến (TTXVN)
Đẩy mạnh cải cách hành chính - Bài 1: Ninh Bình triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 
Đẩy mạnh cải cách hành chính - Bài 1: Ninh Bình triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong cải cách hành chính, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN