Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng hôm 22/10. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho biết việc mở các ngành đào tạo đại học được thực hiện theo quy định theo Thông tư 08 ban hành ngày 17/2/2011 của Bộ GD&ĐT và hiện có 12 cơ sở đào tạo y khoa chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và 9 trường đa ngành (trong đó có 5 trường tư thục).
Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo... chung cho tất cả các ngành, các trường nên sau khi Thông tư này được ban hành thì từ cuối năm 2011-2012 một số trường đại học ngoài công lập đã tiến hành đầu tư và làm các thủ tục để xin được mở ngành “hot” này.
Việc cho phép mở ngành cũng được thực hiện một cách khá bình thường khi Bộ GD&ĐT xét thấy các trường đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí như quy định tại Thông tư. Trong khi mức điểm đầu vào hàng năm ngành y của các trường đại học công lập dao động khoảng 24-25 điểm, một số trường, khoa có mức 27-28 điểm thì tại các trường ngoài công lập chỉ khoảng 21-22 điểm.
Việc mở ngành đào tạo y, dược tại các trường đại học đa ngành, ngoài công lập đã dấy lên nghi ngại về chất lượng đào tạo bác sĩ, dược sĩ. Tháng 4 và tháng 11/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với 2 Bộ GD&ĐT, Y tế và đã chỉ đạo hai Bộ rà soát, xác định yêu cầu, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
Tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế thống nhất tạm dừng cho phép các trường đại học đa ngành mở ngành đào tạo y, dược. Tới tháng 5/2015, Văn phòng Chính phủ lại có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng đôn đốc 2 Bộ phải ban hành ngay văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo trong lĩnh vực Y tế.
Đối với trường hợp của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho biết trường đã có đề án trình Bộ cho phép mở ngành Y đa khoa và Dược học từ tháng 6/2012. Thời điểm đó, trường chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện nên Bộ chưa cho phép. Ngay sau đó, trường đã tiến hành đầu tư bổ sung, hoàn thiện các điều kiện theo quy định.
Tới tháng 7/2015, trường tiếp tục trình hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép mở ngành Y, Dược. Trước thực tế trường đã đầu tư cơ sở vật chất trước khi 2 Bộ có chủ trương tạm dừng cho phép mở ngành đào tạo Y, Dược nên 2 Bộ đã lập Đoàn liên ngành để thẩm tra. Đoàn liên ngành đã có biên bản trong đó yêu cầu trường phải hoàn thiện một số việc.
Bộ Y tế ủng hộ chủ trương cho trường mở ngành nếu đáp ứng được các yêu cầu của Đoàn thẩm định. Sau khi xem xét hồ sơ bổ sung của trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký Quyết định cho phép trường mở hai ngành Dược học và Y đa khoa.
Hiện trường mới được mở ngành, chưa tuyển sinh. Hai bộ cùng kiến nghị tiếp tục hướng dẫn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các công việc cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà Đoàn thẩm định đã đặt ra và sẽ chỉ cho phép trường tuyển sinh khi đã đảm bảo đầy đủ điều kiện.
Khẳng định “việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 2 Bộ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đào tạo Y, Dược tại các trường đại học đa ngành và có phương án, giải pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
Đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì tiến hành kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết và Bộ GD&ĐT chỉ cho phép trường được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Rõ ràng là việc mở ngành đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ rất cần được quan tâm. Về số lượng, hiện ở nước ta mới có 7,8 Bác sĩ/10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20-60 Bác sĩ/10.000 dân… Nhưng yêu cầu về chất lượng cần được đặt lên trên hết. Xuất phát từ đặc thù của ngành y nên trên thế giới mặc dù có nhiều trường đại học đa ngành tham gia đào tạo Y, Dược nhưng đều phải tuân theo các tiêu chí rất ngặt nghèo.
Chúng ta cũng không nên phân biệt trường công lập hay ngoài công lập nhưng cần nhìn nhận một thực tế là các trường đại học tư thục ở nước ta phần lớn đều vẫn nằm ở “top dưới” nên việc đào tạo Y khoa ở các trường này cần được giám sát cẩn trọng vì lợi ích của cộng đồng.