Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Nguyễn Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực tổ chức cán bộ của 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Nhằm tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ; đồng thời cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, Hội thảo là dịp để Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thảo luận, tiếp thu những ý kiến quý báu, tìm hiểu những bất cập trong thực tiễn và đề xuất những giải pháp thiết thực cho công tác đánh giá cán bộ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ. Song, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ và chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức. Đánh giá đúng cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng, ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Việc đánh giá đúng cán bộ bảo đảm việc sử dụng đúng người, đúng việc, nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan, địa phương, đơn vị, củng cố thêm sức mạnh, tăng cường đoàn kết, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, đánh giá sai cán bộ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cán bộ, mà còn làm giảm uy tín và hiệu quả công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị, giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng, gây nhiều hệ lụy khôn lường đến sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) nhận định “đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến”. Thực tiễn cho thấy, có những trường hợp cán bộ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá cán bộ, dẫn đến những quyết định sai trong công tác cán bộ, nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”, mà một trong những hệ quả là nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật, gây ra những tổn thất về cán bộ, làm giảm uy tín của Đảng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Mộng Huyền, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, chia sẻ: Đối với mỗi cán bộ, công chức của hệ thống chính trị, trong một năm phải trải qua rất nhiều lần đánh giá ở các cấp độ khác nhau. Người càng giữ nhiều vị trí, càng có nhiều chức vụ thì số lần đánh giá càng tăng. Việc đánh giá tiến hành hàng tháng, đánh giá 3 tháng, 6 tháng và đánh giá một năm. Có những nơi ngoài bộ tiêu chí đánh giá chung còn có các tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Số lần đánh giá nhiều như vậy với những bộ tiêu chí đầy đủ, hoàn chỉnh, có nơi phức tạp như vậy, nhưng không ít trường hợp vừa nhận xét rất tốt hôm nay, thậm chí được tôn vinh là gương điển hình tiên tiến, xuất sắc của địa phương, ngành, lĩnh vực, nhưng ngay sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí còn bị xử lý bằng pháp luật.
Ông Dương Mộng Huyền khẳng định, việc đánh giá cán bộ là rất quan trọng, nhưng lại là một việc rất khó và hiện vẫn là khâu yếu, còn tình trạng nể nang, cục bộ trong công tác đánh giá cán bộ. Cho đến nay, việc đánh giá cán bộ còn nhiều vấn đề cần phải bàn vì có không ít đánh giá vẫn chưa phản ánh đúng thực chất; phương pháp, quy trình đánh giá còn bất cập, còn có lỗ hổng; các tiêu chí đánh giá chưa thật sự phù hợp, chưa sát thực tiễn; việc triển khai chưa nghiêm túc, còn hình thức, chiếu lệ hoặc mang tính ý chí chủ quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận hai nội dung chủ yếu: Những vấn đề lý luận về đánh giá cán bộ và những vấn đề thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ. Các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về việc đánh giá cán bộ hiện chưa phản ánh đúng thực chất là do nguyên nhân khách quan, thiếu các bộ công cụ đánh giá cụ thể, chưa được lượng hóa đầy đủ, không sát với thực tế, chưa gắn với kết quả đầu ra và sản phẩm cụ thể hay do nguyên nhân chủ quan, việc thực hiện chưa nghiêm túc hoặc do nguyên nhân nào khác. Làm thế nào để bộ công cụ đánh giá phải đơn giản, dễ hiểu, dễ làm chứ không phức tạp và mất thời gian như hiện nay, nhưng kết quả đánh giá phải khách quan, chính xác, phản ánh đúng thực chất cán bộ.
Bên cạnh đó, làm thế nào để khắc phục được tình trạng công tác cán bộ được triển khai rất đúng quy trình, nhưng lại không chọn được đúng người, để xảy ra sai phạm như một số trường hợp bị kỷ luật thời gian vừa qua. Sắp tới, trong tình hình mới, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng, công tác đánh giá cán bộ cần tập trung, nhấn mạnh đến nội dung nào, tiêu chí nào để có thể chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đại diện các Tỉnh ủy, Thành ủy, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện, công tâm; phương pháp xử lý những tình huống thường gặp trong công tác đánh giá cán bộ; cách khắc phục tình trạng công tác cán bộ triển khai đúng quy trình nhưng không chọn được đúng người, dẫn đến sai phạm và bị kỷ luật; tiêu chí lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
Kết luận tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, các tham luận được in trong Kỷ yếu và được trình bày trực tiếp tại Hội thảo đều là các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, phản ánh đúng thực chất tình hình hiện nay. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Tổ Đề tài nghiên cứu “Kinh nghiệm khảo sát, đánh giá cán bộ của các nước và giá trị tham chiếu đối với Việt Nam” tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Đề tài, sớm có sản phẩm để trình Bộ Chính trị.