Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết “Dân vận khéo - tạo đồng thuận, nhân niềm tin”.
Bài 1: Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Dân vận các cấp đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái quý báu của dân tộc, bằng nhiều hoạt động thiết thực, vận động toàn dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo đồng thuận và củng cố, nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chiến thắng của nhân dân
Là địa bàn đặc thù về tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các ngành, cấp từ tỉnh đến cơ sở ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với diễn biến dịch qua từng đợt; tăng cường gặp gỡ, tranh thủ, vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, nhất là những người đứng đầu các tổ chức, cơ sở tôn giáo đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tỉnh vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện nghiêm quy định 5K, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh trong từng thời điểm dịch bệnh, đảm bảo các cơ sở tôn giáo không tụ tập đông người vào các ngày lễ.
Bên cạnh đó, các chức sắc, nhà tu hành, chức việc tích cực kêu gọi, động viên tín đồ tôn giáo quyên góp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa; vận động hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung trên địa bàn. Thường trực các cấp ủy chủ động tổ chức lập danh sách, đăng ký, hướng dẫn, tiêm vaccine an toàn, đúng tiến độ, nhất là đối với các chức sắc cao cấp, cao tuổi, có bệnh nền. Từ đó, đồng bào các tôn giáo đã đoàn kết, chung tay đồng hành cùng chính quyền tỉnh Đồng Nai tham gia phòng, chống dịch.
Là tâm dịch của cả nước khi đợt thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang làm tốt công tác phát huy sức mạnh của gần 11 nghìn Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng dân cư, Tổ COVID nhà trọ công nhân và Tổ COVID chung cư, với gần 40.000 thành viên (gọi tắt là Tổ phòng, chống COVID cộng đồng). Tổ phòng, chống COVID cộng đồng do UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập, với số lượng từ 3 đến 5 người, là những công dân, công nhân trách nhiệm, gương mẫu tại chính khu dân cư, khu nhà trọ. Mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình hoặc 1 khu nhà trọ, 1 hoặc 2 tầng chung cư.
Để thông tin được thông suốt, kịp thời, thống nhất, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh chỉ đạo thống nhất phương thức để thực hiện nhiệm vụ biên tập nội dung truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện cho nhân dân. Theo đó, hằng ngày, các thành viên trong tổ sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K; yêu cầu và hướng dẫn người dân khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, các Tổ có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại, Zalo cho chính quyền địa phương và y tế xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 để cơ quan chức năng tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời; nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của nhân dân, công nhân, vận động, hỗ trợ đời sống nhân dân… Do đó, tình hình nhân dân, các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch đều được phản ánh kịp thời, nhanh chóng, thông suốt đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Ngược lại, mọi nội dung chỉ đạo, tuyên truyền, biện pháp phòng, chống dịch đều được phổ biến nhanh chóng đến người dân.
Không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội địa phương. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 trùng vụ thu hoạch vải thiều, thu hoạch lúa của địa phương và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp. Tổ phòng, chống COVID cộng đồng tích cực hỗ trợ người dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Các thành viên tích cực của các tổ bầu cử, tham gia đưa hơn 4.000 thùng phiếu phụ đến các gia đình, nhà trọ, khu dân cư bị cách ly, phong tỏa để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình, góp phần quan trọng cho kỳ bầu cử thành công với trên 99% cử tri đi bầu trong toàn tỉnh.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nhận định, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng chính là hạt nhân của nhân dân, có nhiệm vụ tuyên truyền và giám sát. Các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trở thành cầu nối giữa chính quyền địa phương và nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch nhằm thực hiện thành công "mục tiêu kép". Vai trò, hoạt động của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng là minh chứng sinh động cho quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và cũng cho thấy chiến thắng dịch COVID-19 là chiến thắng của nhân dân.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Năm 2021, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận.
Triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành công văn đề nghị ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời tham mưu cho cấp ủy các công việc cấp bách trong phòng, chống dịch, tăng cường bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; thành lập Tổ công tác hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Tiểu ban Dân vận thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, vận động ủng hộ, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật tư, túi thuốc điều trị F0 tại nhà, oxy tại nhà, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm... với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên của Tiểu ban thường xuyên theo dõi tình hình nhân dân, tổng hợp và phản ánh 50 nhóm kiến nghị thiết thực; phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng. Nhiều mô hình hay được hình thành và phát huy hiệu quả tại các địa phương như: “Tổ phòng, chống COVID cộng đồng”, “Tổ tự quản cộng đồng tham gia bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19”, “Vùng xanh an toàn”... Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” các mô hình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thu hoạch, tiêu thụ nông sản giúp nông dân; vận động miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động; vận động, quyên góp hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội... Ban dân vận các cấp đã vận động, tiếp nhận và phân phối hàng nghìn suất quà đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động, người yếu thế, lực lượng tuyến đầu chống dịch...
“Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã đồng lòng, góp sức, tích cực đẩy mạnh thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là thắng lợi hết sức có ý nghĩa về công tác dân vận; qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.
Bài cuối: Bốn nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dân vận trong năm 2022