Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII:

Đảm bảo phát triển KT-XH, duy trì môi trường đầu tư của đất nước

Sáng 15/5, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Trong phần phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá lại lần cuối các nội dung trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc trong vài ngày tới. Diễn ra trong bối cảnh tương đối căng thẳng của tình hình trong và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích toàn diện các mặt của tình hình kinh tế xã hội, công tác đối ngoại của đất nước, hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội; đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị đảm bảo phục vụ thật tốt Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

*10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong năm 2013

Theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo.

Lạm phát được kiểm soát tốt nhất trong 10 năm qua, giá cả thị trường ổn định. Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ 2010 với mức tăng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng của năm 2012.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, GDP trong nước Quý I/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 4,76% của Quý I/2013 và 4,75% của Quý I/2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng 0,88% so với tháng 12/2013; tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, 4 tháng đầu năm CPI tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội như: kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; các cân đối lớn chưa bền vững; lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu còn cao. Việc triển khai gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng chưa được như kỳ vọng; thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


*Cần những giải pháp căn cơ, lâu dài


Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc những ngày vừa qua tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ phá hoại tài sản, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2014 và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các ý kiến nhận định, tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2014, đặc biệt là những diễn biến khó lường về an ninh quốc phòng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần có tính thời sự hơn; phải phân tích ảnh hưởng từ biến động về an ninh, quốc phòng đến những diễn biến nội bộ trong nước và thiệt hại của nền kinh tế. Từ đó, có phương án tháo gỡ, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, duy trì môi trường đầu tư của đất nước. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài đối phó với các tình huống tương tự xảy ra, duy trì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tán thành với đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phải cập nhật đầy đủ tình hình, kể cả vấn đề quốc phòng, an ninh; đánh giá đúng và phải có dự báo về tình hình đến cuối năm và những năm tiếp theo, những khó khăn trước mắt và lâu dài phải đối mặt để từ đó, xây dựng các chỉ tiêu phát triển phù hợp.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền kiến nghị thêm, Báo cáo của Chính phủ cũng cần đánh giá chi tiết hơn những khó khăn của doanh nghiệp, phân tích cụ thể, thấu đáo để có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, trước những diễn biến trên biển Đông, Báo cáo phải đưa ra những biện pháp giải quyết khó khăn, hỗ trợ ngư dân vùng biển duy trì và phát triển đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thống nhất các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương cập nhật tình hình mới nhất trong Báo cáo kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, trình Quốc hội cho ý kiến.


Quang Vũ


Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 13 dự án luật, xem xét về công tác giám sát, chương trình xây dựng pháp luật và một số nghị quyết quan trọng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN