Đảm bảo công khai, chặt chẽ và minh bạch trong đấu thầu

Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Giảm trường hợp chỉ định thầu

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo ông Lê Quang Mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó, bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được.

Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án (điểm k khoản 1 Điều 23).

Gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp

Trong phần thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng luật đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau như phạm vi áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu...

Hầu hết các đại biểu đánh giá dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các phiên họp, đến nay các quy định của dự thảo Luật tương đối chặt chẽ, hợp lý.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như "thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận", "cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu".

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các hành vi như là thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận... vì hiện nay các hành vi gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, không xử lý được do chưa có quy định cụ thể. Do đó, việc quy định, hướng dẫn cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn", đại biểu Lê Thị Song An (Long An) kiến nghị.

Đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định, khi có tình huống khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu. Ảnh: Minh Đức /TTXVN

Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu, Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do vậy, đại biểu đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách", đồng thời cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.

Luật Đấu thầu là dự án luật khó

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng chia sẻ, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó.

"Quản lý chặt quá khiến mất tự chủ, gây khó khăn, ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án. Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc dưới 30% trên 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.

Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận, có 16 lượt ý kiến phát biểu, 5 lượt ý kiến tranh luận tại hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự án Luật như: phạm vi, đối tượng áp dụng, các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các trường hợp chỉ định thầu, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu…

Việt Đức (TTXVN)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5/2023, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN