Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ khúc mắc trong thẩm định giá, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23/5, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, sáng 23/5. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp.

Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ; đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội được tăng cường. Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo chưa cao.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu, sáng 23/5. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chỉ rõ: Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với Chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến. Một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm và yêu cầu có giải pháp khắc phục căn cơ...

Tạo động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương

Trong phiên làm việc chiều 23/5, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn ngân sách nhà nước để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, HĐND cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết 43, Luật Đầu tư công và đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc. Trong trường hợp cấp bách cần thiết, cần điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định Nghị quyết 43.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đến nay, dự thảo luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước.

Dự thảo luật đã làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư...

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được nhiều vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đối với quy định về Hội đồng thẩm định giá, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo luật quy định, Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên, bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá, có chứng nhận chuyên môn là chưa đảm bảo điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định giá. Trong khi đó, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá rất nặng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá, chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) đề xuất, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá phải là công chức, viên chức để đảm bảo chất lượng của Hội đồng thẩm định giá cũng như đảm bảo điều kiện để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Hội đồng thẩm định giá.

Giải trình, làm rõ tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến giá trần, giá sàn vé máy bay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giữ giá trần của hàng không nội địa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hàng không nội địa và giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc quy định giá trần của hàng không nội địa nhằm đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.

Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn. Các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

PV (TTXVN)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN