Đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép'

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri Cần Thơ, Tuyên Quang và Quảng Nam về phiên thảo luận.

Nhiều ý kiến rất đúng trọng tâm và thực tiễn  

Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Đức Thắng (quận Ninh Kiều, nguyên cán bộ Bộ Tham mưu, Quân khu 9) cho rằng, tại kỳ họp này, các đại biểu đã phát biểu nhiều  vấn đề rất thực tế, đúng trọng tâm. Quốc hội cũng rất khoa học trong cách phân bổ thời gian cho đại biểu nêu ý kiến. Điều hành của Chủ tọa kỳ họp cũng được cử tri đánh giá cao. Theo đó, tùy tính chất vấn đề đại biểu đặt ra mà thời lượng cho mỗi đại biểu sẽ khác nhau, không cứng nhắc, đủ thời gian cho đại biểu trình bày hết nội dung cần thiết.

Chú thích ảnh
Cử tri Phạm Ngọc Hùng nêu ý kiến sau khi theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Các đại biểu đã có sự chuẩn bị kỹ càng, nắm rất chắc vấn đề chuẩn bị phát biểu. Trong ý kiến có số liệu, thống kê, phân tích cụ thể để cử tri hiểu rõ hơn các vấn đề mà đại biểu đang đề cập. Ví dụ, có đại biểu trình bày về sản xuất tuần hoàn thì đã phân tích rõ các khái niệm như “thế nào là sản xuất tuần hoàn?”, “công nghệ số là gì?”. Cử tri cho rằng đây là các ý kiến rất tốt.

Cử tri Phạm Ngọc Hùng (quận Ninh Kiều, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị Hậu Giang) cũng nhận xét, các đại biểu Quốc hội khi nêu ý kiến đã tuân thủ thời gian quy định, nói đúng trọng tâm, thể hiện trách nhiệm cũng như sự chuẩn bị kỹ càng trước khi phát biểu.

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo cử tri Vũ Thị Soi, cán bộ nghỉ hưu tổ 5, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang: Trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, địa phương, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực và được thế giới đánh giá cao. 

Tác động của dịch COVID-19 khiến các tổ chức doanh nghiệp cũng như người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân rất kịp thời góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Cử tri Vũ Thị Soi cũng đánh giá cao các giải pháp của đại biểu đóng góp tại phiên thảo luận nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Trong đó, có những giải pháp về tăng cường các biện pháp nhằm duy trì, phục hồi các thị trường hiện có và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kéo dài thời gian giãn, giảm thuế, trợ giúp doanh nghiệp trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cử tri Nguyễn Văn Ánh, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Văn Ánh bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn của người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua. Cử tri mong muốn Nhà nước cần khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, ổn định giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu… để nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Đức Thắng (quận Ninh Kiều, nguyên cán bộ Bộ Tham mưu, Quân khu 9) ủng hộ Chính phủ về việc tạm hoãn tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020. Theo ông Thắng, đất nước vừa trải qua đại dịch COVID-19, một lượng tài chính khổng lồ được bỏ ra để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn.

Nguồn ngân sách này không có trong kế hoạch và cũng chưa có tiền lệ. Do đó, cử tri cho rằng nếu tăng lương vào thời điểm 1/7 như dự kiến trước đó thì sẽ rất khó khăn cho đất nước. Chính phủ nên dùng ngân sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phục hồi nền sản xuất, khi kinh tế ổn định trở lại sẽ áp dụng tăng lương vào năm 2021.

Tiền đề để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép 

Cử tri Bùi Thế Cho (doanh nghiệp tại phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Các đại biểu đã tranh luận một cách thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như những khó khăn, tồn tại và các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi cao, được các đại biểu đưa ra sẽ là những giải pháp quan trọng để Chính phủ tiếp tục có những quyết sách kịp thời nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cũng như gói hỗ trợ giảm tiền điện, chi phí viễn thông được Chính phủ thực hiện đã giúp người dân giảm bớt khó khăn và chắc chắn sẽ là chất xúc tác để doanh nghiệp ổn định và tái hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự chỉ đạo quyết liệt và điều hành linh hoạt của Chính phủ là tiền đề để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép: Vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa đảm bảo phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ông Bùi Thế Cho nhấn mạnh. 

Kỹ sư Võ Văn Thương, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam nêu quan điểm: Ý kiến của các đại biểu về các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đáp ứng được đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được các đại biểu nêu ra là vấn đề hết sức thiết thực. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển mạnh đầu tư vào Việt Nam. Nguồn nhân lực có chất lượng cộng với sự ổn định về chính trị, xã hội sẽ là tiền đề để thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Kết quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao và ca ngợi là kết quả của sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của công tác điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và sự đồng tâm của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài càng yên tâm hơn khi chuyển hướng làm ăn lâu dài từ các nước khác vào thị trường Việt Nam, kỹ sư Võ Văn Thương nhận định. 

Đồng quan điểm, cử tri Phạm Ngọc Hùng (quận Ninh Kiều, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị Hậu Giang) bày tỏ, qua cuộc chiến chống dịch COVID-19, người dân càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cách điều hành Chính phủ. Cử tri bày tỏ hy vọng từ thành công này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ càng làm tốt hơn để niềm tin của nhân dân càng được củng cố hơn nữa. Theo cử tri Hùng, đây là một trong những yếu tố quyết định để đưa Việt Nam ngày càng phát triển.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cử tri quan tâm các chính sách an sinh xã hội sau dịch COVID-19
Cử tri quan tâm các chính sách an sinh xã hội sau dịch COVID-19

Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội và một số giải trình của lãnh đạo Chính phủ, trưởng ngành tại buổi thảo luận hội trường được truyền hình trực tiếp ngày 13/6, các cử tri thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ sự quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội sau dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN