Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia đã phát triển như thế nào kể từ khi hai nước nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013?
Nhân dịp chuyến thăm cấp nhà nước chủ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 27/6/2013, hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Kể từ đó, Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia đã và đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc.
Năm 2017, chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Đảng thăm Indonesia kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959.
Năm 2018, Tổng thống Joko Widodo có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, đồng thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thăm làm việc Indonesia. Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Indonesia trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng. Năm 2022 có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Các chương trình hành động được ký kết đã đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đang sớm hoàn tất chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 để ký kết trong thời gian sớm nhất. Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã tổ chức được 3 kỳ họp, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã tổ chức được 2 kỳ.
Hợp tác kinh tế thương mại đã có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia.
Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 4,8 tỷ USD thì đến nay kim ngạch đã tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 4,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD, sớm đạt được mục tiêu của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Quan hệ quốc phòng an ninh cũng được đẩy mạnh, nổi bật là các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia (5/2022), các chuyến thăm Indonesia của Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, tham gia của đoàn Việt Nam trong các cuộc tập trận hải quân đa phương ASEAN-Nga (12/2021). Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cơ quan bảo vệ an ninh biển Indonesia (12/2021), góp phần củng cố an ninh ở khu vực biên giới chung trên biển giữa hai nước.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng được tăng cường. Về nông-ngư nghiệp, hai nước đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, nhất là hàng hải và nghề cá. Bộ trưởng Bộ Biển và nghề cá Indonesia vừa có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân tiếp tục được duy trì. Hai bên đã phối hợp tổ chức kỷ niệm 60 năm các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Một số địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác như giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Semarang; tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành Yogyakarta. Hai bên đang thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bali, giữa thành phố Huế với thành phố Denpasar. Indonesia tiếp tục duy trì một số học bổng đào tạo và văn hóa dành cho sinh viên Việt Nam.
Số lượng khách du lịch của hai nước đang tăng lên, mỗi nước có khoảng 70.000-80.000 du khách chọn du lịch ở nước kia. Hai bên đã nối lại các đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Jakarta, Bali, giữa Hà Nội-Bali với các chuyến bay tần suất cao và đang nghiên cứu mở thêm các đường bay tới các địa điểm khác như Đà Nẵng, Yogyakarta.
Theo Đại sứ, những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa Việt Nam và Indonesia trong thời gian qua là gì và triển vọng của những lĩnh vực này thời gian tới?
Chúng ta đều biết Việt Nam và Indonesia là hai nước có truyền thống quan hệ hữu nghị, được xây dựng nền móng bởi những vị lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong suốt 68 năm qua. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955.
Sau năm 1975, Tổng thống Indonesia Suharto là nguyên thủ đầu tiên ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương thăm Việt Nam năm 1990. Quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2003. Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược duy nhất ở Đông Nam Á khi hai nước nâng cấp quan hệ năm 2013.
Chính vì những lẽ đó, quan hệ chính trị tốt đẹp, hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục là tài sản quý giá mà lãnh đạo cấp cao cũng như nhân dân hai nước hết sức coi trọng, giữ gìn và phát huy. Trên các diễn đàn đa phương, hai nước luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng quan điểm trên nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, gắn với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.
Do đó, quan hệ gắn bó giữa hai nước không chỉ mang tính chiến lược đối với sự phát triển của mỗi nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Bên cạnh quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác kinh tế - một trọng tâm trong quan hệ song phương - đang có những bước tiến lớn. Indonesia hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Như tôi đã nêu ở trên, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại hai chiều đã vượt qua sự kỳ vọng của hai nước và còn tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia phát triển lên tầm cao mới. Việc ký kết chương trình hành động cho giai đoạn mới 2024-2028 sẽ làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác vốn đã khá toàn diện giữa hai nước, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng như lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí.
Về kinh tế, Việt Nam và Indonesia đều là hai nền kinh tế có nhiều tiềm lực, đang trỗi dậy, đang phát triển nhanh chóng. Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường còn nhiều dư địa cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Với Indonesia, Việt Nam cũng đang là thị trường có nhiều tiềm năng để Indonesia thúc đẩy hợp tác cả về thương mại và đầu tư.
Hai bên cần tận dụng những cơ hội mới, tiếp tục chia sẻ và hợp tác chặt chẽ hơn để biến thách thức thành cơ hội, biến áp lực cạnh tranh thành động lực để đổi mới và phát triển. Việt Nam và Indonesia cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước, hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh doanh, tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại mỗi nước. Hai nước cũng cần nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới, tận dụng các cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Xin Đại sứ cho biết những ưu tiên và phương hướng chính thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Indonesia trong thời gian tới?
Về chính trị - an ninh, tăng cường sự thống nhất, phối hợp giữa hai quốc gia tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới; tiếp tục thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác hiện có; phối hợp chính sách theo những ưu tiên của Indonesia đối với khu vực, nhất là trong nhiệm kỳ Indonesia giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm 2023. Hai nước tiếp tục tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Về kinh tế, thương mại, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cùng đề ra giải pháp tăng trưởng thương mại song phương, hướng tới các mục tiêu mới cao hơn cho thương mại hai chiều; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trong đó có việc phát triển thương mại cân bằng, tích cực tranh thủ tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhất là cùng với kế hoạch “chuyển đổi năng lượng” nhiều tiềm năng; đàm phán về dỡ bỏ những rào cản phi thương mại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tạo thêm các điều kiện, ưu đãi đối với các doanh nghiệp hai bên để tiếp cận tốt nhất thị trường của nhau.
Về văn hóa - giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân, tăng cường kết nối và giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động trao đổi đoàn nghệ thuật, các hội đoàn quần chúng, địa phương. Hai bên cần tăng cường cấp học bổng cho học sinh hai bên tới học tập, tu nghiệp tại mỗi nước. Trong thời gian tới Indonesia có thể trở thành một trong những điểm đến được lựa chọn của sinh viên Việt Nam tại Đông Nam Á.
Hai bên cần được khai thác mạnh mẽ hơn tiềm năng về du lịch ở Đông Nam Á, hợp tác bổ sung cho nhau thông qua các sản phẩm liên kết du lịch, quảng bá, tăng cường hiểu biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa của nhau. Cùng với đó hai bên cũng cần tăng tần suất và xem xét mở thêm các đường bay mới kết nối các điểm đến du lịch giữa hai nước. Các dự án tăng cường du lịch cần tính tới việc Indonesia di dời thủ đô và đẩy mạnh phát triển mở mang ở khu vực mới.
Cùng là những thành viên tích cực của ASEAN, hợp tác chặt chẽ giữa Indonesia và Việt Nam có ý nghĩa thế nào trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, thưa Đại sứ?
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia có ý nghĩa quan trọng với sự hình thành Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò, vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực như hiện nay. Trước đây Indonesia là nước đi đầu ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN và thực tế chứng minh, cùng với sự tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam và các nước thành viên gia nhập sau, ASEAN ngày càng lớn mạnh trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới.
Khu vực Đông Nam Á đã duy trì được hòa bình, ổn định trong một thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, thịnh vượng của các nước thành viên. Quan hệ đối tác của ASEAN không ngừng được mở rộng với các cơ chế mới như Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị AMM/PMC, Cấp cao Đông Á, quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc trên thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương... Các cơ chế đối thoại mà ASEAN xây dựng đã góp phần xử lý các vấn đề phức tạp như vấn đề Biển Đông, dần tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, đem lại hòa bình, ổn định và an ninh cho khu vực.
Hai nước đều là những thành viên tích cực trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luôn hợp tác để đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong ASEAN, Indonesia là thị trường lớn nhất với hơn 280 triệu người tiêu dùng, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 với 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Trong thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã phối hợp với các nước thành viên, trong đó Indonesia đóng vai trò tích cực, ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch bệnh, khôi phục chuỗi cung ứng, đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh và phát huy năng lực tự cường, sức mạnh nội khối của ASEAN. Hiện nay, trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia cũng xác định chủ đề là trọng tâm tăng trưởng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đà phục hồi của các nước ASEAN, vượt qua những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang có nhiều khó khăn và khó dự đoán.
Xin cảm ơn Đại sứ!