Thưa đại biểu, vụ việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường dẫn đến tử vong tại Thái Bình xảy ra ngày hôm qua (29/5) khiến dư luận rất bức xúc, đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Có thể nói, vụ việc cháu bé mầm non bị bỏ quên trên xe và tử vong tại Thái Bình ngày 29/5 là sự việc rất đau buồn. Càng đau buồn hơn nữa khi sự việc xảy ra vào lúc chúng ta đang hướng đến Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em
Sự việc này xảy ra do sự tắc trách của người lớn, khi một xe đưa đón học sinh nhưng khi xuống xe, giáo viên nhận học sinh không hề kiểm lại xe và không kiểm lại học sinh, người lái xe cũng không kiểm tra xe và giáo viên đi cùng xe giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp thì giáo viên chủ nhiệm lớp cũng không có động thái kiểm tra lại nguyên nhân học sinh vắng mặt.
Tất cả những người lớn có mặt ở câu chuyện này đều có lỗi. Cao hơn nữa, trong những sự tắc trách về mặt công việc thì có những việc gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong trường hợp này, sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn lại là một tội ác. Vì rõ ràng với sự tắc trách này, một cháu bé tuổi còn rất nhỏ bị bỏ quên trên xe cả một ngày mà không ai phát hiện ra để dẫn đến kết cục đau lòng là cháu bé tử vong. Tôi thấy đây là hồi chuông cảnh báo với tất cả chúng ta trong tất cả mọi công việc.
Trong vụ việc này, trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường. Bởi vì trong thời gian học sinh đến trường, bất kỳ một sự việc nào xảy ra đối với học sinh thì trách nhiệm đầu tiên phải là nhà trường, bởi vì nhà trường là nơi quản lý học sinh trong thời điểm đó, trong thời gian đó. Trong vụ việc này, em học sinh không chỉ tử vong trong thời gian ở trường mà còn tử vong trên xe đưa đón học sinh. Nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm ở đây được. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của nhà trường và những người có liên quan.
Tôi lấy ví dụ, với lái xe, quy trình đưa đón học sinh, sau khi nhận học sinh và trả học sinh, người lái xe cũng phải kiểm tra lại xe của mình. Bởi vì, đây không phải là lần đầu tiên có sự việc đáng tiếc này xảy ra đối với xe đưa đón học sinh, ít nhất người lái xe phải có thao tác kiểm tra xe của mình xem còn học sinh nào bị bỏ quên trên xe không, đặc biệt là với lứa tuổi mầm non, các em rất bé có thể bị ghế xe che mất. Cùng với đó, buổi sáng cũng có những em vẫn buồn ngủ, có khi lên xe lại ngủ quên trên xe. Do đó, việc kiểm tra lại xe khi trả học sinh là việc bắt buộc nhưng người lái xe cũng không kiểm tra và ngay cả cô giáo nhận học sinh cũng vậy. Cô giáo, thầy cô giáo nhận học sinh thì cũng không rõ là mình nhận bao nhiêu học sinh và bàn giao cho các lớp là bao nhiêu học sinh, chỉ biết là xe dừng rồi thì em nào xuống thì xuống, xong gửi xe đóng cửa thì các cô dẫn các em vào. Tôi thấy rằng tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong chuyện này.
Quốc hội đang bàn về Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về xe đưa đón học sinh, theo đại biểu cần có quy định cụ thể như thế nào về xe đưa đón học sinh?
Quy định xe đưa đón học sinh đưa vào trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chúng ta bàn về tiêu chuẩn, quy chuẩn của xe đưa đón học sinh, còn quy trình để đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh lại nằm ở các quy định khác.
Về quy trình để đảm bảo an toàn đưa đón học sinh thì đương nhiên xe đưa đón học sinh vẫn phải thực hiện những quy định về an toàn giao thông như các loại phương tiện khác nhưng có những điều đặc biệt hơn. Xe đưa đón học sinh sẽ có yêu cầu về kết cấu xe, màu sơn của xe như thế nào để dễ phân biệt. Còn quy trình đưa đón học sinh như thế nào thì lại nằm ở các quy định khác của nhà trường.
Bên cạnh những quy định về hạ tầng vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe đưa đón, theo tôi, các cơ sở giáo dục rất cần thiết rà soát lại quy trình đưa đón học sinh, quản lý học sinh như thế nào đảm bảo an toàn nhất, tránh trường hợp đáng tiếc như vừa rồi.
Cùng với đó, quy trình đưa đón học sinh và quy trình liên lạc giữa phụ huynh, nhà trường cần rà soát lại và có những quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ như vụ việc cháu bé tử vong trong xe ngày hôm qua, nếu có sự liên lạc chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường thì chưa chắc xảy ra tình trạng đó, đặc biệt là lứa tuổi mầm non. Khi con em mình không đi học được vì lí do nào đó, phụ huynh kịp thời báo cho nhà trường thì nhà trường cũng biết được những học sinh nghỉ học. Khi kiểm học sinh, thấy học sinh nghỉ học không có lý do thì chắc chắn các cô giáo phải tìm cách liên lạc. Tuy nhiên ở đây, sự liên lạc cũng lỏng lẻo cho nên giáo viên thấy học sinh vắng mà không thông tin lại, rõ ràng là lỗi của tất cả những người có mặt trong câu chuyện này.
Ở góc độ Quốc hội, tôi nghĩ rằng tuỳ tình hình của các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố có thể tổ chức giám sát chuyên đề về vấn đề này. Ví dụ, những địa phương, các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh là rất lớn thì có thể tổ chức giám sát, nhưng với những tỉnh không có hình thức xe đưa đón học sinh thì cũng không cần thiết phải tổ chức giám sát. Nhưng với các thành phố lớn thì tôi cũng rất mong muốn các đoàn đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến nội dung này, đặc biệt là với những địa phương đã từng xảy ra sự việc tương tự như thế này thì cũng nên có một chuyên đề giám sát.
Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ mà bây giờ xảy ra rất nhiều các vụ việc thương tâm, tai nạn học đường xảy ra cũng không phải là hiếm thì tôi thấy đây cũng là tình trạng rất báo động.
Sắp tới, chuẩn bị bước sang Tháng hành động vì trẻ em, qua vụ việc như thế này thì theo đại biểu cần có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho trẻ em, đặc biệt là khi trẻ tới trường?
Để đảm bảo được một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên đấy là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả người lớn chúng ta. Điều này cũng đã được quy định rất rõ trong các dự án luật liên quan đến trẻ em, trong Công ước quốc tế quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những quốc gia ký từ rất sớm. Tuy nhiên, thực hiện điều này đến đâu thì chúng ta vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, rất nhiều hạn chế cần phải bàn đến.
Chúng ta vẫn chưa thực sự tạo được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên và phát triển. Bằng chứng là hàng năm, riêng tai nạn đuối nước cũng đã cướp đi trên dưới 2.000 sinh mạng trẻ em, mặc dù chúng ta đã rất chú trọng đến điều này. Tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em khá nhiều, trong đó có những tai nạn thương tích xảy ra ở gia đình, có những tai nạn thương tích xảy ra ở nhà trường, rồi nạn bạo hành trẻ em, xâm hại trẻ em cũng vẫn còn tồn tại với con số báo cáo hàng năm rất lớn. Như vậy, cho nên chúng ta chưa thực sự tạo được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển. Điều này có trách nhiệm của toàn xã hội, của cả gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực sự chú trọng hơn đến vấn đề là tạo một môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em. Thậm chí ngay cả vấn đề trẻ em trên không gian mạng hiện nay chúng ta cũng chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo vệ hữu hiệu trẻ em trên không gian mạng, trẻ em vẫn bị xâm hại, vẫn bị bạo hành, vẫn bị ảnh hưởng những mặt trái của mạng xã hội mà chưa có một hàng rào bảo vệ thực sự hữu hiệu. Tất cả những điều này tác động rất xấu tới sự hình thành nhân cách cũng như sự an toàn, phát triển của trẻ em.
Trân trọng cảm ơn bà!