Đại biểu Quốc hội: Nguồn lực cho ngành y còn thiếu, nên tập trung 'xây' thay vì 'chống' 

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch. 

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, dịch bệnh COVID-19 vừa qua là "phép thử" cho thực lực của ngành y tế. Thực tế cho thấy, việc huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn. 

“Tại TP Hồ Chí Minh trong thời điểm dịch, chúng tôi phải có lời khuyên cho những cơ sở, doanh nghiệp muốn đóng góp là đề nghị đóng góp bằng hiện vật, đừng đóng góp bằng tiền, vì có thể có những vấn đề phát sinh sau đó. Tất cả những  dự đoán đó đã thành sự thật, khi về sau này có một loạt các cuộc kiểm tra, thanh tra, cho nên phần nào chúng ta tự làm khó mình”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trong quản lý thì chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó khó có thể thực hiện mua được vaccine. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng chưa thấy cách nào để gỡ rối. Đến nay, trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine… thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc quản lý nguồn lực còn có nhiều điểm nghẽn trong sử dụng. Cùng với đó còn có những chính sách cần được nhìn nhận lại như trong lúc thiếu vaccine lại không cho phép tiêm dịch vụ, hay như lúc thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký thuốc, dẫn đến là tình trạng người dân phải mua bán bên ngoài và xuất hiện hành vi đẩy giá…

Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị trong báo cáo cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa "xây" và "chống". Chống tiêu cực, nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế mạnh hơn, có thể chống dịch ngay lúc đó và về sau này. 

“Việc xây chúng ta rất chậm, nhưng chúng ta tập trung vào chống, làm tôi liên tưởng tới giống như một bệnh nhân thập tử nhất sinh nhưng thay vì bồi bổ nâng cao sức khoẻ bệnh nhân thì chúng ta tập trung vào cắt bỏ phần hoại tử, như vậy thì kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ không qua khỏi”, đại biểu cho biết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh các biện pháp giám sát trong thời gian tới đây, để trong tương lai nếu dịch bệnh quay trở lại thì sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ được người dân tốt hơn. Đại biểu đề nghị quan tâm xây dựng nền y tế, phải có những cơ chế và bảo vệ cho người làm việc.

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế. Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, trong thời gian qua, vấn đề này đã được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, bước đầu đã được triển khai tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội khóa XV. Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhân viên y tế nói chung lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; từ ngày 1/1/2023 điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã làm được và chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, tránh việc nhận định chung chung như tại Điều 1 của dự thảo nghị quyết giám sát.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết nêu khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, đại biểu cho rằng, không chỉ riêng vụ án tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, mà còn cần khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trong thời gian qua.

Đại biểu cũng đề xuất một số nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở, phục vụ nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương. 

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, rà soát lại danh mục và cách thức thanh toán bảo hiểm y tế hiện nay. 

Đối với Chính phủ, xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, dân số, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông, để viên chức yên tâm công tác; thay đổi, tăng mức phụ cấp  trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay…

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Còn đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh mong muốn giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch. Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra những nhận định sâu sắc và toàn diện về những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra rõ những tồn tại, vướng mắc… 

Nêu rõ hơn về những vướng mắc, chưa giải quyết được dứt điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.. Theo đó giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả và đúng thời hạn Nghị quyết. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ rà soát, quyết định xử lý vướng mắc trong thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID- 19 nhưng đến nay chưa có văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu đề nghị Quốc hội đưa nội dung này vào Chương trình giám sát chuyên đề, quy định cho phép Chính phủ xây dựng văn bản thực hiện Nghị định 80 của Quốc hội về thanh toán chi phí phòng, chống dịch theo chương trình, thủ tục rút gọn, có phân cấp cho địa phương quyết định một số nội dung thông qua Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Theo đại biểu, văn bản chi tiết, hướng dẫn của Chính phủ cũng có tính đặc thù khác với quy định hiện hành nên đề nghị cần báo cáo Ủy ban Thường vụ trước khi thực hiện để giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay mượn, huy động, tiếp nhận tài trợ theo quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội.

PV/Báo Tin tức
Bộ Y tế sẽ thành lập 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm
Bộ Y tế sẽ thành lập 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm

Trước thực trạng các bệnh viện lớn triền miên thiếu thuốc hiếm và thuốc hạn chế nguồn cung, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu thành lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung mà Việt Nam cần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN