Đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến đóng góp cho các nội dung phát triển kinh tế - xã hội

Theo chương trình làm việc, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và một số nội dung kinh tế - xã hội khác.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quốc hội cũng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật này.

Thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu đều đánh giá, năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%. Đó là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc, mức GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, kinh tế quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2022 giảm mạnh (tăng 5,9% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong quý III/2022) nhưng nước ta vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

Các đại biểu nêu lên một số băn khoăn: Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục sụt giảm, mặc dù tốc độ sụt giảm thấp hơn so với năm 2021, ở mức 0,2%; mức đóng góp vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng sụt giảm ở mức 1,36% so với năm 2021, so với các nước trong khu vực mức đóng góp của vốn tài sản ICT của Việt Nam ở mức rất thấp. Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ 33,4 điểm năm 2020 xuống còn 20,1 điểm năm 2022.

Nhiều đại biểu cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo kế hoạch, Chính phủ cần phải có giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện, các quý còn lại của năm nay phải đảm bảo tăng bình quân từ 7,5 - 8%.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, chiều 25/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; ngày 21/4/2023 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định.

Dự án Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật…

Thảo luận Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; ghi nhận dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến tại hội trường đã nêu rõ quy định về cụ thể hóa 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20, các điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã; quy định về thành viên hợp tác xã; việc quản lý tài sản, tài chính; hoạt động cho vay nội bộ; điều kiện về vốn, số lượng thành viên…

Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc xây dựng và ban hành Luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập để mô hình kinh tế này phát triển, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Về nội dung vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội phương án 1 nhằm bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo Luật đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên. Các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này. Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu, chiều 25/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận Hội trường, đã có 15 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ một số ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đầy đủ các ý kiến, chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thu Phương (TTXVN)
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Nhiều áp lực giải ngân vốn đầu tư công
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Nhiều áp lực giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Một trong những nội dung vẫn được đại biểu quan tâm là bài toán đầu tư công, làm thế nào để đây thực sự trở thành nguồn lực dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến bên lề kỳ họp xung quanh nội dung này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN