Đây là khẳng định của đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 vào sáng 16/9.
Tại Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Tại Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005), UNESCO tiếp tục khẳng định đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người. Đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Đa dạng văn hóa có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội, vì vậy cần lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng văn hóa ngày càng quan trọng. Chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.
Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định những định hướng lớn, quan trọng trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam, trong đó nổi bật có những nội dung liên quan đến phát huy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa các dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”.
Quốc hội Việt Nam quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Hiến pháp - đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó nhấn mạnh các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Quốc hội đã ban hành các luật về tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa, quảng cáo, thư viện… các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, dân tộc miền núi, xóa đói giảm nghèo… thường xuyên thực hiện công tác giám sát, chất vấn để bảo đảm những vấn đề đa dạng văn hóa được tôn trọng và xuyên suốt trong các chương trình lớn của đất nước.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, sự nghiệp phát triển văn hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, được cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè, tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế. Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, hai lần được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa các nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2021 - 2025. Trên cơ sở Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia để đo lường, đánh giá đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, tập trung vào các nội dung: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc. Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa. Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Kết quả thảo luận sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, đưa vào dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị. Khẳng định vai trò, giá trị của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc. Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, đưa văn hóa trở thành mục tiêu độc lập của phát triển bền vững. Nghị viện các quốc gia chính là nhân tố chủ chốt trong việc khẳng định và phát huy vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ chính sách lấy con người làm trung tâm, hỗ trợ nền tảng cho các đối ngoại song phương và đa phương, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, hòa bình và gắn kết giữa các cộng đồng, quốc gia.
Đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, 3 công viên địa chất toàn cầu, một thành phố sáng tạo (trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO), đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.