Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Cử tri quan tâm đến vấn đề tiền lương, hỗ trợ người có công, đồng bào dân tộc
Tại kỳ họp thứ 5 lần này, một trong những hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chính là thông qua giám sát đối với các vị bộ trưởng và trưởng ngành. Qua tổng hợp ý kiến của ĐBQH thì có 4 bộ trưởng sẽ tham gia chất vấn kỳ này gồm: Lao động, Thương binh & Xã hội; Dân tộc; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, đây là 4 nội dung, lĩnh vực quan trọng với đời sống dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như vấn đề phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải là vấn đề mà cử tri và đại biểu hết sức quan tâm.
“Khi chúng ta tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tập trung triển khai các dự án cao tốc giai đoạn 2021-2025, đây là lĩnh vực người dân mong muốn được trưởng ngành giao thông trả lời. Đặc biệt là những giải pháp của ngành giao thông vận tải trong thời gian tới, qua đó để phát triển xã hội khi giao thông được thông suốt”, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết.
Cùng với đó, đại biểu tỉnh Trà Vinh cho hay, vấn đề thứ 2 mà người dân quan tâm là lĩnh vực lao động thương binh xã hội và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Đại biểu cũng như nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề hoàn thiện chính sách đối với người có công. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri thì người dân cho rằng, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới 9,1 triệu người có công. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị ngành lao động, thương binh xã hội sẽ quan tâm hơn chính sách này bằng cách nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền có thể nâng mức hỗ trợ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn đối với người dân có mức sống ở khu vực đó. Đây là câu hỏi lớn.
Nhiều cử tri lớn tuổi đề xuất Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội trình Chính phủ xem xét nội dung có thể hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với người 80 tuổi xuống 70 tuổi.
Cùng với đó, việc cải cách chính sách tiền lương, đặc biệt đội ngũ cán bộ công chức quan tâm. Sau nhiều lần chúng ta chưa cải cách tiền lương thì cán bộ, công chức mong muốn Đảng, Nhà nước mà đơn vị tham mưu là Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ quan tâm trình Chính phủ thảo luận và sớm cải cách tiền lương.
Theo đại biểu, lĩnh vực công tác dân tộc cũng được cử tri quan tâm. Hiện nay, bên cạnh chương trình nông thôn mới, mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai bên cạnh kết quả ban đầu thì còn một số bất cập, đặc biệt là tiến độ giải ngân chậm. Trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc đòi hỏi Ủy ban Dân tộc, Chính phủ tháo gỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn sớm được hưởng chính sách này.
ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục: Quốc hội lựa chọn chất vấn 4 lĩnh vực hoàn toàn phù hợp
Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội chọn 4 lĩnh vực giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội; khoa học – công nghệ; dân tộc. Các Bộ trưởng được lựa chọn lần này đều đa phần lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, các vấn đề lựa chọn đều "nóng", đang đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước.
“Tôi cho rằng, Quốc hội lựa chọn 4 lĩnh vực này chất vấn hoàn toàn phù hợp”, đại biểu Tạ Văn Hạ khẳng định.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, trong nhiệm kỳ này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn rất được chú trọng, có nhiều đổi mới, được nâng lên một bước. Câu hỏi của đại biểu đều đi thẳng vào nội dung, ngắn gọn, súc tích, đúng với những vấn đề cử tri và nhân dân đang quan tâm. Bên cạnh đó, người trả lời là các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng rất thẳng thắn, trả lời trực diện vào câu hỏi, không né tránh và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi động, được cử tri và nhân dân quan tâm.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, do ảnh hưởng của đại dịch, bất ổn chính trị trên thế giới, cũng như suy thoái kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, gây đứt gãy đơn hàng của doanh nghiệp, buộc phải cắt giảm lao động số lượng rất lớn. Quốc hội chọn vấn đề này để chất vấn, kỳ vọng tìm ra những giải pháp kịp thời. Vì lao động, việc làm là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, nên cần phải giải pháp toàn diện, đồng bộ.
Hay lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, thì vai trò của khoa học công nghệ càng quan trọng hơn. Đây là vấn đề tôi quan tâm, hiện chúng ta đã chi được bao nhiêu hàng năm cho lĩnh vực này, mức 2% có đủ cho khoa học công nghệ phát triển trong bối cảnh hiện này? Việc sử dụng nguồn vốn này ra sao?...
Cùng với đó, lĩnh vực giao thông vận tải và dân tộc cũng là hai lĩnh vực nóng đã và đang diễn ra, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu, cử tri và nhân dân tại phiên chất vấn tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu thuộc 4 lĩnh vực được đưa ra chất vấn
Tại kỳ họp thứ 5, từ ngày 6/6/2023 đến ngày 9/6/2023 Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Dân tộc.
Trong lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chất vấn các nhóm vấn đề: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Trong lĩnh vực Giao thông vận tải sẽ chất vấn các nhóm vấn đề: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ sẽ chất vấn các nhóm vấn đề: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực Dân tộc sẽ chất vấn các nhóm vấn đề: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Theo đại biểu, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó, có những vấn đề rất nóng, đang tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế như công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…
“Đây đều là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân, vì vậy, tôi kỳ vọng, tại phiên chất vấn, các bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước”, đại biểu đoàn Hải Dương cho hay.