Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ, từ kết quả 5 ngày thực hiện Quyết định 2788/QĐ-UBND, nhiều ý kiến đồng tình với thành phố kéo dài 3 ngày thực hiện quyết định này, cũng có ý kiến kéo dài thêm 7 ngày. Tuy nhiên, xét trên nhiều điều kiện, thành phố cân nhắc và quyết định kéo dài thêm 3 ngày.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: “Lý do chính đưa ra quyết định này là dựa trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ từng khu vực, phát hiện triệt để hơn nữa các ca F0 trong cộng đồng và cần phải đặt ra yêu cầu xét nghiệm đại diện hộ gia đình trên toàn thành phố lần thứ 3. Đây là việc mà lãnh đạo thành phố không mong muốn. Tuy nhiên xuất phát từ yêu cầu phòng, chống dịch cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vì vậy thành phố đã đưa ra quyết định này”.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, thành phố đã bỏ ra nguồn lực, nhân lực, chi phí lớn để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, vì vậy mong người dân, doanh nghiệp, đơn vị tuyến đầu chống dịch chia sẻ, đồng thuận, quyết tâm làm tốt trong thời gian gia hạn Quyết định 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, trong ngày mai (22/8) Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cần có kết quả xét nghiệm lần 2 gửi về địa phương, để các địa phương đánh giá mức độ nguy cơ. Với những quận, huyện chưa hoàn thành lấy mẫu lần 2 phải tập trung lấy mẫu hoàn thành trong sáng mai.
Ngày 22/8, Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Các đơn vị, địa phương cần rút kinh nghiệm 2 lần trước, thực hiện kỹ lưỡng, đặt biệt không để sót, khắc phục hạn chế trong quá trình lấy mẫu. Trong đó, rà soát lấy mẫu đúng đối tượng như người thuê trọ, lao động tự do.
Ngoài ra, các địa phương cần làm quyết liệt trong việc giám sát người dân ở nơi cư trú; phục vụ đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, lãnh đạo thành phố thông qua gói hỗ trợ cho khoảng 150.000 hộ dân, trị giá gần 100 tỷ đồng, nhằm đảm bảo đời sống người dân trong giai đoạn tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao chủ động trong việc đồng hành cùng với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong việc xét nghiệm 3 ngày/lần có thể xem xét tổ chức xét nghiệm 50% số công dân làm việc “3 tại chỗ” của doanh nghiệp, để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.
Trước đó, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố, yêu cầu từ ngày 16-23/8, Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động để thực hiện nghiêm nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó"; yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà; Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch)...
Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng tính từ 13 giờ ngày 20/7 đến 13 giờ ngày 21/8, Đà Nẵng ghi nhận 197 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 77 trường hợp đã được cách ly tập trung, 44 trường hợp cách ly tại nhà, 35 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 43 trường hợp chưa cách ly. Như vậy tính ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận ghi nhận 2.661 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 21/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 118.848 lượt người; phát hiện, cách ly 303 F1, 298 F2; đang điều trị 1542 bệnh nhân, cho xuất viện 85 bệnh nhân; các quận huyện đã xử phạt 16 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 144 triệu đồng.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Tôn Thất Thạnh cho hay, tính từ ngày 16/8 đến nay, thành phố ghi nhận 882 ca mắc COVID-19 (tăng 386 ca so với tuần trước). Hiện nay trên 55/56 phường, xã trên địa bàn thành phố đều có mắc COVID-19 (trừ xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Trong đợt 1 (từ ngày 16-18/8), thành phố lấy mẫu xét nghiệm hơn 360.000 lượt người (đạt tỷ lệ 101,1%), phát hiện 142 ca mắc. Trong đợt 2 (từ ngày 19-21/8) Đà Nẵng đã xét nghiệm gần 29.800 lượt người (đạt tỷ lệ 82,8%), phát hiện 96 ca mắc.
Trong ngày 21/8, lực lượng tại chốt cửa ngõ ra vào thành phố đã test nhanh 1.107 trường hợp, tất cả đều có kết quả âm tính.
Từ khi bắt đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm Chợ Đầu mối Hòa Cường, thành phố đã xét nghiệm 11.611 lượt người liên quan, phát hiện 217 ca là tiểu thương, người làm việc tại chợ, 37 ca là người đi chợ. Ngoài ra còn ghi nhận 445 trường hợp ngoài cộng đồng là F1, trong khu phong tỏa liên quan đến F0 của chợ đầu mối Hòa Cường.
Dựa vào các số liệu, đánh giá tình hình, ông Thạnh khẳng định, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.