Cần sớm cụ thể hóa các nội dung của hội nghị vào thực tiễn
Theo dõi, nghiên cứu kỹ các hội nghị Trung ương trong nhiều năm qua, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị khu vực II), cho biết: Cả 3 hội nghị Trung ương 4 gần đây đều bàn về công tác xây dựng Đảng, đó là Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII và lần này là Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Tất nhiên, mỗi hội nghị khi bàn về xây dựng và chỉnh đốn Đảng có những nội dung khác nhau, Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII lần này bàn vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị.
“Việc các Hội nghị Trung ương 4 mấy nhiệm kỳ vừa qua luôn bàn về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho thấy việc xây dựng, chính đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một nội dung nhất quán và được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm”, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, các nội dung bàn thảo tại hội nghị đã được thông qua, vấn đề chính yếu còn lại là triển khai để cụ thể và phù hợp. Lâu nay chúng ta vẫn nghe thấy cụm từ là “trên nóng, dưới lạnh”. Vậy thì phải hỏi là vì sao dưới lạnh và nếu dưới lạnh thì dưới đương nhiên phải chịu trách nhiệm nhưng “trên” có phải chịu trách nhiệm hay không? Chúng tôi cho rằng dù cho “dưới” lạnh thì “trên” vẫn phải chịu phần trách nhiệm lớn trong đó vì Đảng ta là tổ chức thống nhất, thống nhất về tư tưởng, chính trị, thống nhất về tổ chức…“Chúng tôi nghĩ rằng các quy định của Hội nghị Trung ương là chung nhất đối với toàn Đảng. Các cấp uỷ cần phải tuỳ đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị để cụ thể hoá bằng những quy định cụ thể, chi tiết trong quá trình thực hiện”, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên gợi mở.
Cho rằng Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt nên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, thanh niên, Thạc sỹ Đặng Văn Khoa, thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ Lý luận trẻ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Cũng như hàng triệu người dân khắp mọi miền đất nước, tôi vui mừng vì những kết quả rất tốt đẹp đã được Hội nghị thảo luận, quyết định. Tôi tin tưởng rằng, những chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Hội nghị thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt là những điểm mới đã được thảo luật và quyết định liên quan đến công tác “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Sửa đổi, bổ sung quy định những điều đảng viên không được làm để phù hợp với thực tiễn
Quan tâm đến việc Hội nghị Trung ương lần thứ 4 này này bàn thảo và quyết định về sửa đổi, bổ sung Quy định số 47 –QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, cho rằng: Sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm bao gồm 19 điều đã được ban hành. Đến nay, Quy định này đã trải qua 10 năm thực hiện. Xã hội luôn vận động và biến chuyển không ngừng, vì vậy ngay cả khi quy định vừa ban hành cũng có thể có các nội dung đã lạc hậu so với thực tiễn. Vì vậy, việc thay đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn là việc làm bình thường và cần thiết. Và, việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47 – QĐ/TW cũng không là ngoại lệ và đó là công việc bình thường của Đảng.
Bày tỏ sự quan tâm đến sửa đổi, bổ sung quy định này, Thạc sỹ Đặng Văn Khoa, cũng cho biết: Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, ông nhận thấy đây là quyết định rất kịp thời và sáng suốt. Qua 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, có một số nội dung trong quy định cần được tiếp tục phát triển, hoàn thiện để ngày càng phù hợp với sự vận động và biến đổi không ngừng của thực tiễn cuộc sống, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị.