Cử tri với Quốc hội: Khẳng định quyền con người và quyền công dân

Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri qua theo dõi phiên thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 11/6. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


* Khẳng định quyền con người và quyền công dân được Nhà nước đặc biệt bảo vệ


Cử tri Lê Quốc Trung, Phó chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho rằng: Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới . Trên cơ sở t hống nhất cao việc sửa đổi Hiến pháp 1992, cử tri Quốc Trung có quan điểm, trong hiến pháp trước tiên nên khẳng định lại quyền con người và quyền công dân được Nhà nước đặc biệt bảo vệ. Phải xác định rõ “công dân Việt Nam” gồm những ai, để đi đến nguyên tắc chung: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân; đồng thời phù hợp với bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ đã khẳng định nhất quán quan điểm cơ bản này từ năm 1945.

Cử tri Trần Trọng Sơn, cán bộ tư pháp hưu trí đề nghị không nên sắp xếp gộp Chương II và Chương III của Hiến pháp hiện hành thành Chương Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mà nên giữ nguyên Chương về “Chế độ kinh tế” như trong Hiến pháp 1992 do tính chất quan trọng của nền kinh tế. Cử tri cho rằng nên sắp xếp các điều luật khác theo thứ tự nhóm về quyền tự do đặt trước các quyền khác của con người; Điều 50 nên sửa đổi đoạn cuối, thay cụm từ “…Hiến pháp và pháp luật” bằng từ “luật định” sẽ mang tính khái quát cao hơn, chặt chẽ hơn. Điều 55, khoản 2, không nên nêu cụ thể tên gọi của các thành phần kinh tế mà nên gọi chung là “nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN” …

* Cần nhiều hình thức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Trọng Khiết cho rằng cần phải khẳng định những thành tựu mà Hiến pháp 1992 mang lại, đã thể hiện tính đúng đắn, tạo cơ sở cho sự ra đời các bộ luật, luật, góp phần cho quá trình đổi mới của đất nước, tạo điều kiện để phát huy dân chủ.

Việc sửa đổi cần dựa trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992, để qua đó kế thừa những ưu điểm được khẳng định, được kiểm chứng bằng thực tiễn; nội dung nào chưa phù hợp, thiếu thì sửa đổi, bổ sung. Đồng thời sửa đổi Hiến pháp 1992 phải đảm bảo yêu cầu sự lãnh đạo của Đảng.

Theo cử tri, về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp cần tiến hành nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp. Với giới khoa học cần tổ chức các hội nghị, hội thảo; với cán bộ, đảng viên có thể góp ý bằng văn bản; đối với các tầng lớp nhân dân cần có nhiều cách để đạt cả hai yêu cầu, vừa là dịp để nhân dân nhận thức rõ hơn, biết nhiều hơn về nội dung Hiến pháp, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến.

* Nội dung Hiến pháp cần ngắn gọn, súc tích


Cử tri Nguyễn Khắc Bằng, cựu chiến binh thôn Hợp Thành, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tâm đắc với những ý kiến của các đại biểu và thấy rằng việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; nội dung Hiến pháp cần ngắn gọn, súc tích để người dân dễ hiểu. Trên cơ sở tán thành với những sửa đổi về nội dung liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quốc phòng an ninh như trong dự thảo, đã đảm bảo tính kế thừa nội dung Hiến pháp năm 1992. Cử tri đánh giá dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung những nội dung mới, quan trọng như cụ thể hóa quyền của Chủ tịch nước với tư cách thống lĩnh lực lượng vũ trang.

Cử tri Nguyễn Hữu Hoa, cán bộ tuyên giáo, tổ 10, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang cho rằng: phiên thảo luận của các đại biểu đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn, dân chủ ngày càng được củng cố và được tôn trọng; cách đặt vấn đề của các đại biểu chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu. Tuy nhiên, trong phần mở đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã lược bỏ đi một số cụm từ quan trọng, thể hiện bản chất của chế độ Nhà nước, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét lại điều này.



Trần Khánh Linh, Tiên Minh, Quang Cường
Sửa hiến pháp: Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước
Sửa hiến pháp: Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước

Tiếp theo buổi làm việc chiều 15/11, Quốc hội đã dành trọn ngày 16/11 để tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Là nội dung có tầm quan trọng đặc biệt, phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN