Theo dõi nội dung báo cáo và phiên thảo luận, cử tri Ninh Bình đánh giá cao những nội dung báo cáo, sát với thực tế. Cử tri tin tưởng vào các quyết sách của Quốc hội đối với vấn đề cử tri đang quan tâm hiện nay về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nền nếp
Cử tri Bùi Đắc Dương (Bí thư Đảng ủy xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cho rằng, Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ đó việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trung ương tới địa phương, cơ sở đã đi vào nền nếp.
Cụ thể, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực; quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn; công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, sử dụng tài nguyên, khoáng sản chặt chẽ hơn; tình trạng sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản lãng phí từng bước được khắc phục; công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường; công tác cán bộ được bố trí, sắp xếp tinh gọn bộ máy; thường xuyên rà soát, tinh giản, góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách chi cho lương và phụ cấp cán bộ...
Cử tri Bùi Đắc Dương cũng thẳng thắn cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý về đầu tư, xây dựng còn để thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ, đội vốn so với dự toán ban đầu còn xảy ra nhiều, kể cả các công trình lớn cấp quốc gia. Quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công của nhà nước vẫn còn sai phạm, tham ô, tham nhũng, tiêu cực gây bất bình trong nhân dân. Tài nguyên, đất đai sử dụng chưa hiệu quả, một số công ty, doanh nghiệp nhà nước, các lâm, nông trường được nhà nước giao đất nhưng quản lý lỏng lẻo, sử dụng sai mục đích, không có hiệu quả nhưng chưa được giải quyết dứt điểm… tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn còn xảy ra.
Qua đây, cử tri Bùi Đắc Dương nêu một số đề xuất về giải pháp để thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới. Trước hết, Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để huy động, quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước, bao gồm cả nhân lực, vật lực và cơ hội phát triển.
Quốc hội ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát, nhằm tạo được một bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; cần sớm nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như: Y tế, giáo dục… để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức một số ngành này bỏ việc.
Coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Cùng quan tâm đến vấn đề này, cử tri Hoàng Xuân Sính (thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể hiện ở chỗ, công tác thực hành tiết, chống lãng phí đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Việc ban hành chương trình thực hành tiết, chống lãng phí được triển khai chủ động, kịp thời.
Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được chú trọng, đã quản lý chặt chẽ nguồn thu, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Việc triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết, chống lãng phí, Luật Quản lý sử dụng tài sản công được các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương thực hiện bảo đảm đúng quy định. Việc sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm. Những kết quả đạt được trong thực hành tiết, chống lãng phí đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cử tri Hoàng Xuân Sính đề cập đến một số giải pháp để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới. Cụ thể, phải có hệ hống văn bản pháp luật hoàn chỉnh về quản lý kinh tế - xã hội để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, phải thật sự coi công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cử tri Hoàng Xuân Sính cũng cho rằng, các cấp cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; tiếp tục sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, có chế độ tiền bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có nguồn thu nhập chủ yếu bằng lương, sống bằng lương.
Mặt khác, các cấp cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với đó, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị không chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hành vi gây lãng phí, hoặc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.