Không có "vùng cấm" trong đấu tranh chống tham nhũng
Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước. Nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách nhà nước tăng cao, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; phúc lợi và đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao; việc chăm lo gia đình chính sách, người có công được chú trọng; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Cử tri, nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”.
Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; công nghệ thông tin được áp dụng góp phần cải tiến quy trình, thủ tục và hiệu quả các phiên họp Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng như: Tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, gây bức xúc ở một số địa phương. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long; tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng…
Theo Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, qua kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nội dung kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời cho thấy: Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ (chiếm 86,7%), 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tổng hợp được 2.251, qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp,… các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Đến nay đã có 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97%).
5 vấn đề được Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị về 12 vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm và đã có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chính quyền các cấp.
Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, còn một số nội dung cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị:
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các địa phương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong nước, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án.
Đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch hóa các dự án; chất lượng, hiệu quả công trình, dự án, chống thất thoát, lãng phí. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư công; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành và các địa phương đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên mọi lĩnh vực; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy.
Đề nghị chính quyền các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú bất hợp pháp, mua bán đất đai, nhà ở tại những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.
Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện của Quốc hội. TVQH tán thành dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UB TVQH cũng tán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện về những vấn đề mà báo cáo nêu. Song, vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội và các bộ, ngành ở Trung ương nhưng chưa được các bộ, ngành liên quan trả lời đầy đủ; cần rà soát lại việc tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân, nhất là những ý kiến về chính sách mà cử tri, nhân dân quan tâm.
“Trên cơ sở những ý kiến đóng góp vào các báo cáo hôm nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện của Quốc hội lĩnh hội, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo UB TVQH và sẽ trình trước Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tới đây”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.