Đây là dịp để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được tiếp xúc, lắng nghe và kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập, đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Trên cơ sở này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát với thực tế. Mặc khác, Hội nghị cũng là một trong những hoạt động trọng tâm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn đối với lực lượng công nhân.
Tại Hội nghị, ông Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; khái quát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Các cử tri đã nêu nhiều ý kiến về hai dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cử tri Trần Long, công nhân Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang nêu câu hỏi: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không quy định rõ về độ tuổi nghỉ hưu từng ngành nghề. Ví dụ, ngành Cơ khí thì bao nhiêu tuổi nghỉ hưu, làm Nhà nước thì bao nhiêu tuổi nghỉ hưu. Nếu như giáo viên, viên chức số tuổi nghỉ hưu như nhau, cơ khí cũng 62 tuổi nghỉ hưu thì không đủ sức làm. Do đó, cần có quy định cụ thể về vấn đề này trong Luật.
Các nội dung khác được cử tri nêu lên hầu hết đều liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với các vấn đề: thời gian đóng bảo hiểm xã hội giảm xuống 15 năm kéo theo mức hưởng bảo hiểm xã hội sẽ thấp hơn so với trước; lao động nữ thiệt thòi trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là chế độ thai sản, ốm đau, khám thai; chính sách cho hưởng bảo hiểm xã hội dành cho người lao động có con từ 7 tuổi đến 16 tuổi, nếu con họ bị ốm…
Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), các ý kiến của cử tri xoay quanh tình trạng doanh nghiệp trốn, chậm, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và đề nghị cần khắc phục tình trạng này, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng cần quy định cụ thể về quyền của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ông Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá nội dung các vấn đề cử tri đặt ra sát với thực tế và đồng quan điểm với các cử tri về các vấn đề nhức nhối trong đời sống công nhân hiện nay như nợ bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản cho công nhân... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp và kiến nghị với Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới, giải quyết thỏa đáng cho các cử tri Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung.
Ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết: Với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động và đã thành lập được nghiệp đoàn xích lô, tập hợp các lao động phi chính thức. Từ ngày thành lập có 200 đoàn viên, nay đã có 600 đoàn viên, chứng tỏ sự hoạt động có hiệu quả và ngày càng thu hút người lao động phi chính thức tham gia. Ngày 13/5, các cá nhân sản xuất rong nho tự do đã ra mắt thêm 1 nghiệp đoàn mới - nghiệp đoàn rong nho.
“Tham gia vào nghiệp đoàn, người lao động có cơ hội được hưởng các chính sách và được chăm lo, hỗ trợ các quyền lợi chính đáng. Tuy vậy, người lao động cần chủ động tham gia các hoạt động của nghiệp đoàn nói riêng, tổ chức công đoàn nói chung. Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động ngành nghề tự do, thành lập theo nghiệp đoàn trong thời gian tới”, ông Bùi Hoài Nam nói.
Cùng ngày, Đoàn cũng đến thăm, tặng quà cho hai đơn vị có nhà máy đóng trong Cụm Công nghiệp Diên Phú. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang cho biết: Đơn vị có trên 200 lao động với mức lương bình quân từ 7 triệu đồng trở lên. Công nhân làm việc tại công ty đảm bảo được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Hiện nay, các đơn hàng của Công ty chủ yếu 90% là xuất khẩu, tuy nhiên do thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nên đơn vị cũng gặp khó.
Tại Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, Đoàn đến thăm và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty thông tin, từ năm 2022, nhà máy được chuyển đến Cụm Công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động sản xuất, tránh tình trạng ảnh hưởng môi trường như trước đây. Mặc dù việc sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn chung do thị trường, nhưng công ty vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động. Năm 2023, bình quân lương mỗi tháng của người lao động từ 15 triệu đồng/tháng.
Các đơn vị mong muốn Đảng, Nhà nước sớm gỡ điểm nghẽn thị trường, tạo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm được xuất bán, giúp công ty ổn định sản xuất.