Vẫn “nóng” dự án chậm triển khaiTại buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao những kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội, đồng thời bày tỏ kỳ vọng các cấp chính quyền thành phố sẽ tiếp tục giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội quan tâm được nêu ra trong Kỳ họp vừa qua.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Ngọc Ánh/TTXVN |
Bày tỏ sự quan tâm đến tình hình trật tự đô thị, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nhắc lại, đầu nhiệm kỳ, thành phố đã đặt ra nhiều mục tiêu như trồng 1 triệu cây xanh, làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm và một số hồ khác trong thành phố, trang bị xe hút bụi, thu gom rác, đặt các cột nước lọc xung quanh hồ có thể uống được ngay... Cử tri ghi nhận thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực như đã cải tạo sạch nước hồ Hoàn Kiếm và một số hồ khác trên địa bàn, trồng nhiều loại cây xanh và nhập các xe hút bụi, đặt thùng rác…
Tuy nhiên, người dân nhận thấy các cột nước uống tinh khiết vẫn chưa được lắp đặt, hoạt động của các xe hút rác, hút bụi không hiệu quả. Bên cạnh đó, các dự án nhà cao tầng ngày càng tăng, người từ các địa phương khác đổ về mua nhà ở, kéo theo dân số, phương tiện cá nhân và học sinh các cấp tăng, quỹ đất để xây dựng trường công lập còn thiếu trong khi một số nơi, đất bị bỏ hoang.
Lấy ví dụ về một số diện tích đất bỏ không, nhiều năm chưa triển khai trên địa bàn phường Tràng Tiền là ô đất số 12 đường Nguyễn Chế Nghĩa, 25-27 Hai Bà Trưng, 36 Ngô Quyền, cử tri Trần Ngọc Toán khẳng định, hằng năm thành phố thường xuyên tổng kiểm tra diện tích đất, nhà công, rà soát nhà biệt thự để bảo tồn… nhưng đến nay còn một số diện tích đất bỏ không do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không thực hiện mà mua đi bán lại dự án để kiếm lời. Cử tri Trần Ngọc Toán đặt câu hỏi: “Thành phố có giải pháp nào cho những tồn tại này? Có thu hồi dự án hay không?”.
Chung quan điểm với cử tri Trần Ngọc Toán, cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam) đề nghị thành phố có biện pháp xử lý kiên quyết đối với chủ đầu tư các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Chủ đầu tư nào không đủ năng lực thì dứt khoát thu hồi dự án, giao cho chủ đầu tư khác có năng lực, nhằm tránh gây thất thoát và không để ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Phi Tính cũng đề nghị thành phố xem xét mức hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội. UBND thành phố đã phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thu hồi đất thực hiện dự án. Theo đó, với đoạn ga ngầm qua địa bàn quận Hoàn Kiếm, mức bồi thường cao nhất tại phố Phan Bội Châu là 142.340.000 đồng/m2. Tại phố Trần Hưng Đạo, vị trí 1 có mức bồi thường là 170.559.000 đồng/m2; vị trí 2 là 78.432.000 đồng/m2 và vị trí 3, 4 là 61.808.000 đồng/m2.
Tuy nhiên, theo ý kiến cử tri, giá đất bình thường ở 2 tuyến phố này trung bình từ 400.000.000 - 500.000.000 đồng/m2. So với mức bồi thường mà thành phố phê duyệt còn quá chênh lệch. Trong khi đó, nhiều hộ dân mới đến mua đất, xây trụ sở để kinh doanh trong thời gian ngắn, chưa hoàn vốn. Nếu chỉ nhận được mức bồi thường như vậy sẽ là mất mát lớn. Bên cạnh đó, người dân cũng có nhu cầu được mua nhà tái định cư thay vì chỉ đi thuê như hiện nay. Bởi vậy, cử tri yêu cầu thành phố có biện pháp đền bù thỏa đáng để người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Xử lý quyết liệt và thấu tình, đạt lýCảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, cho thấy sự theo dõi sát sao của cử tri quận Hoàn Kiếm đối với kỳ họp HĐND vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định thành phố sẽ tiếp thu nghiêm túc, tập hợp ý kiến của tất cả các cử tri để chỉ đạo các sở, ngành thực hiện trong thời gian tới.
Liên quan đến các dự án công trình quá thời hạn, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định ý kiến phản ánh của các cử tri là hoàn toàn chính xác. Hiện trên địa bàn thành phố có hàng trăm dự án ngoài ngân sách chậm triển khai, cá biệt có những dự án kéo dài 15-17 năm, chậm nhất là những dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 1997. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, gia hạn cho những dự án đủ điều kiện và chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện. Đối với những dự án vi phạm các quy định, điều khoản cam kết mà không khắc phục, thành phố kiên quyết không cấp phép cho đơn vị đó đầu tư dự án mới.
Hiện tại, thành phố đang tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát, công bố công khai các dự án chậm triển khai. Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, cần xem xét kỹ lưỡng, giải quyết thấu tình, đạt lý vì có một số dự án chủ đầu tư đã bồi thường 1 phần, phải tạm dừng dự án để chờ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố.
Đối với việc lắp đặt các cột nước tinh khiết xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã nhập đủ các cột nước bằng inox và sẵn sàng tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên, việc lắp đặt các cột nước này phụ thuộc vào tiến độ dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm, khi dự án hoàn thành mới tiến hành đặt cột nước. Với mục tiêu tạo ra không gian điển hình về chất lượng thi công công trình, xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ có các nhà vệ sinh tự động, biển chỉ dẫn du lịch thông minh, trạm phát wifi miễn phí và hệ thống ánh sáng đồng bộ, thành phố triển khai dự án một cách thận trọng và đồng bộ.
Về hoạt động của các xe quét hút rác, đây là những xe quét hút hiện đại. Tuy nhiên, một số công nhân điều khiển xe nhấc chổi quét không đúng độ cao khiến chổi quét không chạm mặt đường, tốc độ điều khiển xe quá nhanh nên việc thu gom rác còn chưa hiệu quả. Chủ tịch UBND thành phố cho biết, tiếp thu ý kiến kiến nghị của các cử tri, thời gian tới thành phố sẽ tăng cường giám sát, điều chỉnh để phát huy hiệu quả hoạt động của các xe quét hút rác này.
Đặc biệt, thừa nhận mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân một số tuyến đường phục vụ dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội còn thấp hơn giá thị trường, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thành phố đang điều chỉnh để đưa ra mức giá bồi thường hợp lý, có lợi cho người dân. UBND thành phố sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố có văn bản trả lời cụ thể ý kiến của cử tri.